Sau một lần tạm hoãn, ngày 29/8, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trường Sơn (TSS). Một số cán bộ ngân hàng và nhân viên TSS cũng đến tòa với vai trò nhân chứng.
Theo cáo trạng, TSS ký hợp đồng vay vốn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa thông qua hình thức vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết.
Năm 2011, Hồ Hoài Nam (SN 1977), Tổng giám đốc TSS ký kết hợp đồng số 03 với ngân hàng triển khai dịch vụ trên. Số tiền cho vay tối thiểu là 10 triệu đồng/lần/khách hàng.
Số tiền cho vay đối với mỗi khách hàng bằng tiền bán chứng khoán niêm yết của khách hàng trừ phí giao dịch, phí có liên quan khác và số lãi tiền vay ứng trước khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng nhưng dư nợ cho vay tối đa không quá 4 tỷ đồng/khách hàng. Thời hạn cho vay tối đa là 3 ngày.
Theo thỏa thuận 2 bên, TSS làm đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn và chịu trách nhiệm tính pháp lý của hồ sơ. Trước 15 giờ hàng ngày, TSS tập hợp toàn bộ hồ sơ khoản vay gốc của khách hàng chuyển sang ngân hàng duyệt cho vay theo phương thức giao nhận hồ sơ trực tiếp.
Ngân hàng chịu trách nhiệm thẩm định thông tin, hồ sơ khách hàng, tính số lãi vay và số tiền khách hàng thực nhận. Với hồ sơ được phê duyệt, ngân hàng ký chấp nhận cho vay và chuyển tiền vào tài khoản của TSS ngay trong ngày.
Ngân hàng gửi lại cho TSS giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết có đầy đủ chữ ký khách hàng. Khi khoản vay đến hạn, ngân hàng có quyền tự động thu hồi nợ gốc, lãi vay và phí của khách hàng từ tài khoản của TSS.
Quá trình thực hiện, Nam và Nguyễn Trung Thành (SN 1980 - Phó Tổng giám đốc TSS) đã chỉ đạo nhân viên lập, ký giả chữ ký khách hàng, ký khống vào xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán.
Từ ngày 31/5/2010 đến ngày 14/9/2011, lãnh đạo của TSS đã ký 1.628 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán; lập 1.691 bộ hồ sơ mang tên các nhà đầu tư cá nhân. Ngân hàng giải ngân cho TSS tổng số tiền 2.714 tỷ đồng.
Qua xác minh cho thấy chỉ có 70 xác nhận là thật, lập 48 bộ hồ sơ giao dịch với tổng trị giá khớp lệnh là 6,8 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của bị cáo Nam và Thành, TSS đã kê khai nâng khống giá trị vay của ngân hàng lên 76,5 tỷ đồng.
Số tiền vay ngân hàng được sử dụng để chi trả hoạt động công ty và cho vay. Năm 2011, ngân hàng chấm dứt hợp đồng với TSS. Khi đó, TSS còn nợ gốc 43,6 tỷ đồng. Các khoản vay đều không có tài sản đảm bảo.
Cơ quan điều tra xác định bị cáo Nam và Thành đã thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt số tiền 43,6 tỷ đồng của ngân hàng.
Quá trình điều tra, ông Hoàng Minh Sơn (Chủ tịch HĐQT TSS) chuyển số tiền 43,6 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc. Hiện ngân hàng còn yêu cầu các bị cáo phải thanh toán nợ lãi là hơn 19 tỷ đồng.
Tại tòa, các bị cáo đều khai nhận, ngân hàng biết mục đích vay vốn là cho TSS. HĐXX nhận thấy đây là tình tiết mới phát sinh nên quyết định tạm hoãn phiên tòa để triệu tập một số cán bộ ngân hàng đã giải ngân cho TSS.