Vụ lừa 710 tấn giấy tại Vinapaco lâm “ngõ cụt”

(ĐTCK) Tròn 10 năm, trải qua nhiều phiên tòa, vụ án chiếm đoạt hơn 700 tấn giấy vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) không nhận là bị hại. Vụ án này vướng mắc do đâu?
Bị cáo Vũ Thanh Thúy tại phiên tòa mới đây Bị cáo Vũ Thanh Thúy tại phiên tòa mới đây

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa tuyên trả hồ sơ vụ án Vũ Thanh Thúy (sinh năm 1979, trú tại phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng của Trung tâm Dịch vụ và kinh doanh giấy Hà Nội (Trung tâm Giấy Hà Nội).

Các bị cáo Nguyễn Lương Các (sinh năm 1983, thủ kho), Trần Thị Ngọc Lan (sinh năm 1973, kế toán) cùng ở quân Long Biên, Hà Nội và Thân Văn Va (sinh năm 1948, trú tại Bắc Giang, nguyên Giám đốc Trung tâm Giấy Hà Nội) bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án được khởi tố từ năm 2007, nhưng đến nay, điệp khúc “xét xử, trả hồ sơ, điều tra bổ sung” vẫn tái diễn.

Kê vượt lệnh gần 710 tấn giấy

Trung tâm Giấy Hà Nội là đơn vị thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Trung tâm này được phép bán giấy và các sản phẩm chế biến từ gỗ và giấy. Năm 2005, Trung tâm Giấy Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ với Công ty Giấy Tissue Sông Đuống, với phương thức thuê kho trọn gói kể cả thủ kho, nhằm thực hiện việc xuất, nhập hàng theo quy định của Vinapaco, giá thuê 40.000 đồng/tấn sản phẩm.

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sơn Hội (Công ty Sơn Hội) và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Lộc Thành (Công ty Lộc Thành) là các đại lý bán giấy hưởng hoa hồng của Trung tâm Giấy Hà Nội.

Theo quy định, việc xuất sản phẩm vượt số lượng, sai chủng loại ghi trong lệnh bị nghiêm cấm trong mọi trường hợp khi chưa có sự đồng ý của Trung tâm Giấy Hà Nội. Riêng trường hợp xuất giấy cuộn, có thể cho phép sai lệch về số lượng không quá 500 kg/lệnh.

Trung tâm Giấy Hà Nội cử Trần Thị Ngọc Lan, nhân viên phòng kinh doanh trực tiếp ở tại kho để viết hóa đơn bán hàng và xuất hàng cho khách và Nguyễn Thị Hồng Hạnh, nhân viên phòng kế toán áp giá cho khách hàng.

Năm 2006, Công ty Sơn Hội bán giấy cho Vũ Thanh Thúy. Tuy nhiên, hai bên không lập hợp đồng mua bán, mà chỉ thỏa thuận miệng. Khi có nhu cầu, Thúy điện thoại cho bà Nguyễn Thị Tý, Giám đốc Công ty Sơn Hội, đặt mua số lượng, chủng loại giấy. Khi Trung tâm Giấy Hà Nội làm xong lệnh xuất thì fax sang máy phòng kinh doanh. Sau đó, Thúy cử người trực tiếp đến kho lấy làng. 

Thông qua mối quan hệ, Thúy quen biết Nguyễn Lương Các. Lợi dụng việc Công ty Sơn Hội không trực tiếp đến kho lấy hàng, Thúy “bắt tay” với Nguyễn Lương Các, Trần Thị Ngọc Lan lấy giấy vượt lệnh, ngoài lệnh, thậm chí là không lệnh với số lượng tổng cộng là 709,3 tấn giấy, trị giá 8,8 tỷ đồng.

Mỗi lần muốn lấy số lượng hàng lớn hơn ghi trong lệnh xuất, Thúy điện thoại cho Các đề nghị xuất thêm số lượng, chủng loại. Nguyễn Lương Các xuất giấy theo yêu cầu của Thúy và báo cho Lan. Trần Thị Ngọc Lan tự ghi thêm số lượng. Lan, Các cùng ký vào phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý. Khi lấy hàng không có lệnh, Thúy sẽ điện thoại cho Các và cử người đến kho lấy giấy.

Toàn bộ số giấy vượt lệnh, ngoài lệnh, không lệnh, Lan đều viết phiếu xuất giấy cho Công ty Sơn Hội. Thúy đã bán hết hàng và chiếm đoạt số tiền này. Theo truy tố, bị cáo Các nhiều lần nhận tiền bồi dưỡng từ Thúy, trong đó có một lần nhận 14 triệu đồng.

Cuối năm 2006, Trung tâm Giấy Hà Nội phát hiện số tiền hàng tồn kho luân chuyển của Công ty Sơn Hội là 5,5 tỷ đồng, vượt quá mức quy định trong hợp đồng đại lý là 4,2 tỷ đồng. Đối chiếu công nợ, sổ sách kế toán, bà Tý mới biết, Trung tâm Giấy Hà Nội xuất hàng bán không đúng lệnh, không đúng yêu cầu số lượng 709,3 tấn giấy, trị giá 8,8 tỷ đồng.

Cộng với số nợ của Công ty Lộc Thành, bị cáo Vũ Thanh Thúy bị truy tố với số tiền chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Vinapaco không nhận là bị hại

Thực tế cho thấy, có tới gần 710 tấn giấy tại kho của Trung tâm Giấy Hà Nội bị bán sai quy định. Thế nhưng, trong các phiên tòa trước đây, đại diện Vinapaco khẳng định, họ không bị thiệt hại. Lần xét xử mới nhất, Trung tâm Giấy Hà Nội tiếp tục nêu quan điểm rằng, mình bị Công ty Sơn Hội lừa. Trung tâm này cho biết, không có quan hệ kinh tế, không giao dịch với Vũ Thanh Thúy. Theo đó, Trung tâm Giấy Hà Nội yêu cầu Công ty Sơn Hội phải bồi thường số tiền còn nợ là 5,5 tỷ đồng.

Vụ án rơi vào bế tắc vì các bị cáo đồng loạt thay đổi lời khai. Mặt khác, Công ty Sơn Hội đã được chuyển nhượng cho người khác. Xét thấy cần xác định lại quyền, nghĩa vụ của Công ty Sơn Hội để tham gia tố tụng, nên Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.    

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục