Như báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, ngày 8/5, Toà án nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và 7 đồng phạm trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra ở Công ty Louis Holdings năm 2021.
Trong đó, Đỗ Thành Nhân bị Viện Kiểm sát cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án; Đỗ Đức Nam là đồng phạm giúp sức tích cực; 06 bị can còn lại có vai trò giúp sức Nhân và Nam thực hiện hành vi thao túng chứng khoán, bao gồm:
Vũ Ngọc Long và Ngô Thục Vũ, cùng là nguyên Phó tổng giám đốc Louis Holdings; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc hành chính Louis Holdings; Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thu Hương, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Chứng khoán Trí Việt.
Sau phần trình bày cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân sáng 8/5, buổi chiều cùng ngày, Toà tiến hành xét hỏi các bị cáo. Đáng lưu ý, lời khai của các bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Cựu Chủ tịch Louis Holdings và CEO Chứng khoán Trí Việt đổ lỗi (trong vai trò chủ mưu) cho nhau, còn các bị cáo khác khai mỗi người một kiểu để chứng minh là bản thân không ý thức được hành vi thao túng chứng khoán.
Toàn cảnh phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" chiều 8/5 (Ảnh: H.Yến) |
Đùn đẩy trách nhiệm chủ mưu vụ án
Khi Toà xét hỏi: Nhân và Nam, ai là người lập và quản lý 17 tài khoản chứng khoán tham gia "thổi" giá hai mã cổ phiếu BII và TGG, bị cáo Nhân khai là sau khi bản thân đăng ký mở tài khoản và vận động 16 nhân viên, người nhà cùng mở tài khoản giao dịch tại Công ty Chứng khoán Trí Việt, Nhân đã giao toàn bộ 17 tài khoản này cho Nam quản lý.
Hàng ngày Nam báo cho Nhân là có thể mua được mã nào, số lượng bao nhiêu, giá bao nhiêu rồi yêu cầu Nhân chuẩn bị tiền. Nhân chỉ lo tiền nạp vào tài khoản vào các buổi chiều, các việc giao dịch còn lại Nam thực hiện.
Trong khi đó, Đỗ Đức Nam khai hoàn toàn trái ngược rằng bản thân chỉ tư vấn về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư để Trí Việt cho Louis vay, tư vấn mở tài khoản chứng khoán; sau khi mở xong thì giao lại tài khoản và mật khẩu cho khách hàng. Việc mua bán cổ phiếu, Nam chỉ tư vấn còn Nhân là người quyết định với hình thức khớp lệnh tự động và đặt lệnh thoả thuận do nhân viên giao dịch của Trí Việt thực hiện theo lệnh của Nhân.
Cả hai bị cáo đều phủ nhận vai trò chủ mưu vụ án.
Không ai nhận là thao túng chứng khoán
Đối với cáo buộc thao túng chứng khoán, Nhân khai mục đích chỉ là dùng nguồn tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt để mua gom 2 mã cổ phiếu trên cho đến khi nào nắm được quyền chi phối sở hữu (51%) thì dừng; hoàn toàn không có động cơ thao túng chứng khoán và bản thân không nhận thức được vi phạm vì không biết gì về chứng khoán.
Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings Đỗ Thành Nhân hầu toà chiều 8/5. |
Ngược lại, Nam thừa nhận đã có hành vi thao túng chứng khoán như cáo trạng, nhưng nói rằng lúc trước không nắm được hành vi của nhóm Louis có vi phạm hay không; cộng với áp lực kinh doanh muốn Công ty thu phí giao dịch và lãi vay nên chủ quan, và nghĩ rằng chỉ đang giúp khách hàng thâu tóm doanh nghiệp chứ không ý thức được đó là hành vi thao túng chứng khoán.
Tương tự, cựu Chủ tịch Trí Việt Phạm Thanh Tùng cũng không biết đó là thao túng chứng khoán. "Thậm chí khi C03 Bộ Công an vào cuộc, bị cáo hỏi Nam là làm ơn làm phúc có biết có thao túng không, Nam bảo không có thao túng gì cả. Bị cáo chủ quan nên bỏ qua", Tùng khai.
Chênh lệch lời khai về khoản % chi ngoài
Bị cáo Đỗ Đức Nam khai, trong lần giao dịch đầu tiên, bị cáo Đỗ Thành Nhân đã chuyển khoản cho Nam số tiền 500 triệu đồng gọi là tiền "cảm ơn" đã giới thiệu việc hợp tác đầu tư.
Trong khi đó, bị cáo Nhân khai rằng, ngoài khoản lãi vay phải trả cho Công ty Quản lý tài sản Trí Việt hơn 14 tỷ đồng, để vay được tiền, Nhân phải chi ngoài 4% cho Nam khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Vai trò quyết định khi cho nhóm Louis vay tiền Trí Việt để mua BII và TGG
Khi Toà hỏi, ai quyết định cho nhóm của Nhân vay tiền, khi 17 tài khoản chứng khoán nói trên hết hạn mức, ai là người quyết định bơm thêm tiền vào đấy để thực hiện giao dịch, bị cáo Nhân trả lời: "Cái đó nội bộ Trí Việt, bị cáo không biết. Bị cáo chỉ giao dịch với ông Nam và cũng không phải làm đề xuất gì".
Bị cáo Đỗ Đức Nam |
Nam khai, việc cho Nhân vay tiền, Nam báo cáo trực tiếp với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (là Phạm Thanh Tùng) và thông qua các hình thức báo cáo của công ty để Tùng nắm bắt được. Tùng là người quyết định cho vay, sau đó giao xuống cho các bị cáo ở dưới và cho Hội đồng Quản lý rủi ro để phê duyệt.
Nam nói rằng, Hội đồng Quản lý rủi ro có Tùng, Nam, giám đốc quản lý rủi ro và một nhân viên. Khi quyết định cho khách hàng nào vay đều phải thông qua Hội đồng này biểu quyết.
"Hàng ngày anh Tùng yêu cầu thiết lập cơ chế báo cáo các phát sinh về nợ cho vay qua email và các phần mềm chat skype của công ty", bị cáo Nam nói.
Khi Nhân hết hạn mức cho vay thì người phụ trách chi nhánh mà Nhân mở tài khoản (là bị cáo Lê Thị Thu Hương) đề xuất Hội đồng quản lý rủi ro để phê duyệt.
Nam cũng khai, vào tháng 7, 8/2021 báo chí bắt đầu phản ánh về việc cổ phiếu BII và TGG tăng bất thường, bị cáo Tùng chỉ đạo tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ giao dịch, mua ít một… Tài khoản nào đang vay nhiều thì bán bớt đi để giảm tỉ lệ vay xuống…, mua thêm thì mua ở tài khoản có hạn mức thấp.
Trong khi đó, Tùng khai là không quyết định việc vay vốn, vay thêm vốn của Nhân vì Tùng không có trong Hội đồng quản lý rủi ro mà chỉ giám sát vòng ngoài, các khoản dưới 30 tỷ do Chủ tịch Hội đồng Quản lý rủi ro là Nam quyết định. Tùng có được báo cáo nhưng do "bị Covid mấy năm nay" nên ít check mail, không thấy ai báo cáo có gì bất thường nên không quan sát.
Tùng cũng phủ nhận việc chỉ đạo chia nhỏ khoản vay để tiếp tục cho vay mà khẳng định đã nhiều lần chỉ đạo dừng cho nhóm Nhân vay để tránh điều tiếng.
Có hay không việc Tùng thay ổ cứng để xoá dấu vết?
Bị cáo Nam nói rằng, khi có thông tin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ về kiểm tra hoạt động cho vay tại Công ty Quản lý tài sản Trí Việt, Tùng yêu cầu thu hồi các chứng khoán mà tập đoàn đang hợp tác đầu tư với tất cả các khách hàng trong đó có nhóm Nhân; đồng thời chỉ đạo một số đơn vị đặt lệnh cho Nhân thì thay ổ cứng.
Tuy nhiên, bị cáo Tùng khẳng định: "Bị cáo tuyệt đối không chỉ đạo bất cứ điều gì liên quan đến ổ cứng".
Cáo trạng thể hiện, Louis Holdings có ngành nghề kinh doanh chính là xuất nhập khẩu gạo. Năm 2020, 2021, Đỗ Thành Nhân muốn thâu tóm một số doanh nghiệp đang kinh doanh sa sút nên đã gặp Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt để bàn bạc. Nam tư vấn cho Nhân vay tiền từ một công ty cùng nhóm với Chứng khoán Trí Việt là Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt thông qua hình thức hợp tác đầu tư.
Với sự giúp sức của Nam và một số lãnh đạo, nhân viên hai công ty, Nhân dùng giấy tờ của 13 nhân viên và người nhà để lập 17 tài khoản chứng khoán; sau đó từ tháng 1 đến tháng 10/2021 đã liên tục khớp lệnh tự động, khớp lệnh nội bộ, khớp lệnh ATC... để tạo cung cầu giả tạo đối với hai mã cổ phiếu BII (Công ty Bảo Thư, về sau đổi thành Louis Land) và TGG (Công ty Xây dựng Trường Giang, về sau đổi thành Louis Capital).
Bằng hành vi này, nhóm bị cáo đã "thổi" giá BII từ 1.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất là 33.800 đồng/cổ phiếu (tăng 34 lần) và TGG từ 1.800 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất là 74.800 đồng (tăng 42 lần), sau đó bán tháo, thu lời bất chính hơn 154,7 tỷ đồng.