Vụ lập giả zalo Tổng giám đốc VICEM lừa mua thanh lý thiết bị máy móc nhà máy xi măng: 300 tỷ đồng đi đâu?

(ĐTCK) Liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng thông qua thủ đoạn mua bán thanh lý máy móc thiết bị ngành xi măng, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
 
Vụ lập giả zalo Tổng giám đốc VICEM lừa mua thanh lý thiết bị máy móc nhà máy xi măng: 300 tỷ đồng đi đâu?

Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ hành vi của một số người liên quan.

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 18 - 19/6. Ngay tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nhiều người bị lừa tiền đã có ý kiến đề nghị Tòa án triệu tập một số người liên quan được cho là đã nhận tiền của bị cáo Lan hoặc đã đảm bảo uy tín cho bị cáo Lan.

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa) là đối tượng không có nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài, bị cáo tự giới thiệu bản thân có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài sẽ được lợi nhuận.

Bị cáo còn giới thiệu sở dĩ bị cáo có thể mua thanh lý là do bản thân có quan hệ với Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) và các quan chức trong ngành xi măng. Nếu muốn đầu tư kiếm lợi nhuận thì đưa tiền cho Lan, Lan sẽ chia lợi nhuận. Tưởng thật nhiều người đã đưa tiền cho Lan.

Ban đầu để tạo lòng tin, bị cáo trả tiền gốc và chia lợi nhuận chỉ sau vài ngày. Tiếp đó, Lan huy động với số tiền lớn hơn nhằm chiếm đoạt.

Bị cáo lập tài khoản zalo tên “buiminh” và giới thiệu với các bị hại là của ông Bùi Hồng Minh, VICEM sau đó nhắn tin cho các bị hại mạo nhận là ông Minh, lập các hợp đồng mua bán khống... để chiếm đoạt tiền.

Từ 2014 đến tháng 9/2017, bị cáo Lan đã chiếm đoạt của 31 người với tổng số tiền 291 tỷ đồng.

Theo lời các bị hại trong một số lần gặp Nguyễn Thị Lan, có mặt ông Bùi Công Trình (SN 1976, trú tại TP. Thanh Hóa). Lan giới thiệu với các bị hại ông Trình là Đinh Danh Tùng, Giám đốc Công ty Tài chính CFC của VICEM nên họ tin tưởng Nguyễn Thị Lan có quan hệ để làm ăn.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định ông Trình không tự giới thiệu mình, bị cáo Lan cũng không bảo ông Trình giả mạo người khác nên xác định ông Trình không giúp sức bị cáo Lan, không đề cập xử lý.

Ông Trình khai, cho Lan vay 220 - 230 tỷ đồng, còn bị cáo Lan lại khai vay của ông Trình 4,2 tỷ đồng. Lời khai của các bên có mâu thuẫn nhưng ông Trình không đề nghị xử lý hình sự đối với Lan nên Cơ quan công an đã tách, chuyển giải quyết theo thẩm quyền, không đề cập trong vụ án này.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai đã dùng tiền của 31 người đưa cho ông Bùi Hồng Minh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 129 tỷ đồng, đưa cho Nguyễn Sỹ An (trú tại Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng. Nhưng ông Minh và ông An không thừa nhận.

Riêng đối với Nguyễn Sỹ An, bị cáo Lan đã nhờ ông này làm giả các hợp đồng mua bán hàng hóa khống để sử dụng lừa đảo. Tuy nhiên, bị cáo Lan không bàn bạc, không nói cho ông An biết nên cơ quan điều tra xác định ông An không đồng phạm với bị cáo Lan, không đề cập xử lý.

Mặc dù Tòa án đã triệu tập những người này tham gia phiên tòa nhưng họ đều vắng mặt. Nhiều bị hại đề nghị Tòa án phải triệu tập những người này đến phiên tòa để làm rõ vấn đề tiền bạc và trách nhiệm.

Quá trình xét xử, nhận thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục