Đồng Nai: Cựu Giám đốc bán khống hàng nghìn tấn cà phê lĩnh án 12 năm tù và phải bồi thường 59 tỷ đồng

(ĐTCK) Liên quan vụ án Nguyễn Thị Mùi ở Đồng Nai lừa bán khống gần 90 tỷ đồng cà phê, Tòa án phúc thẩm xác định ngân hàng không chịu thiệt hại.
Đồng Nai: Cựu Giám đốc bán khống hàng nghìn tấn cà phê lĩnh án 12 năm tù và phải bồi thường 59 tỷ đồng

Làm giả biên nhận hàng hóa, chiêm đoạt gần 90 tỷ đồng

Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét đơn kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của bị cáo, người liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 2 nghìn tấn cà phê.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Mùi (SN 1955, trú tại Đồng Nai) thành lập các pháp nhân Công ty TNHH Thiên Lộc Phúc (làm Giám đốc), Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Phú Hưng Long... kinh doanh nông, lâm, hải sản nguyên liệu, vận tải hàng hóa. Các công ty này có hoạt động mua bán cà phê với Công ty TNHH Anh Minh có trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk.

Trong quá trình điều hành hoạt động của các công ty nói trên, bị cáo Mùi đã cấu kết với Lê Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Linh (đã mất) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty Anh Linh là đơn vị gia công cà phê và cho Công ty Anh Minh mượn kho để chứa cà phê. Theo thỏa thuận, Công ty Anh Linh có trách nhiệm kiểm tra số lượng, chất lượng cà phê và giấy biên nhận hàng hóa nhập kho chuyển cho Công ty Anh Minh.

Trên cơ sở biên nhận hàng nhập kho của Công ty Anh Linh, Công ty Anh Minh sẽ thanh toán tiền cho các bên đã giao hàng. Khi có nhu cầu xuất bán thì Công ty Anh Linh có trách nhiệm xuất đúng, đủ số lượng, chất lượng cà phê theo lệnh của Công ty Anh Minh.

Từ tháng 2/2013 đến tháng 8/2013, Công ty Phú Hưng Long không có cà phê nhưng bị cáo Mùi vẫn ký nhiều hợp đồng bán cà phê cho Công ty Anh Minh với số lượng lên tới hàng chục ngàn tấn.

Do không có cà phê giao theo hợp đồng, bà Mùi đã móc nối với Lê Hồng Hải xác nhận khống nhiều biên nhận hàng hóa nhập kho Công ty Anh Linh với số lượng lên tới hàng nghìn tần cà phê.

Căn cứ vào các biên nhận, Công ty Anh Minh đã chuyển trả cho Công ty Phú Hưng Long số tiền hơn 853 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, bị cáo Mùi dùng tiền mua một phần cà phê chuyển trả vào kho Anh Linh, thực hiện một phần hợp đồng đã ký với Công ty Anh Minh.

Lần cuối cùng, bị cáo tiếp tục ký hợp đồng, nhờ Lê Hồng Hải xác nhận khống hơn 1,7 ngàn tấn cà phê (tương đương hơn 61 tỷ đồng) để bị cáo Mùi nhận tiền từ Công ty Anh Minh.

Đến tháng 8/2013, Công ty Anh Minh phát hiện sự việc đã làm đơn tố cáo bà Mùi và ông Hải về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công tố xác định, số lượng cà phê bị cáo Mùi không nhập vào kho và chiếm đoạt của Công ty Anh Minh là hơn 2.100 tấn có giá trị 89,3 tỷ đồng.

Với hành vi này, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam.

Tranh cãi tư cách bị hại, ai được bồi thường?

Quá trình xét xử vụ án, tại các phiên tòa có nhiều tranh luận về trách nhiệm dân sự.

Do Công ty Anh Minh ký hợp đồng vay vốn của BIDV - chi nhánh Đắk Lắk và thế chấp bằng số hàng tồn kho, Tòa án cũng triệu tập ngân hàng tới phiên tòa.  Tòa án sơ thẩm xác định Công ty Anh Minh là bị hại. Nhưng lại cho rằng ngân hàng cũng có lỗi, thiếu kiểm tra, giám sát hàng hóa nhập kho.

Từ đó, Tòa sơ thẩm chia lỗi, Công ty Anh Minh chịu thiệt hại 70% và ngân hàng chịu thiệt hại 30%. Sau khi đối trừ các khoản tiền, xác định bị cáo Mùi phải bồi thường cho Công ty Anh Minh số tiền 48,1 tỷ đồng, bồi thường cho BIDV Đắk Lắc số tiền 11,1 tỷ đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ngân hàng kháng cáo, cho rằng ngân hàng không phải là bị hại.

Bị cáo Mùi kháng cáo cho rằng bị cáo vô tội, có sự thiếu hụt cà phê, bị cáo chỉ mượn cà phê để giao, không nhờ Lê Hồng Hải xác nhận khống. Giao dịch với Công ty Anh Minh là giao dịch dân sự, bị cáo không có ý thức chiếm đoạt.

Viện KSND tỉnh Đồng Nai cũng kháng nghị cho rằng bản án 12 năm là nhẹ so với hành vi của bị cáo Mùi. Cơ quan công tố đề nghị xác định ngân hàng là nguyên đơn dân sự, yêu cầu xử lý các cán bộ, nhân viên ngân hàng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa án phúc thẩm nhận định bị cáo Mùi không có cà phê, không có tiền nhưng vẫn ký hợp đồng bán cà phê với Công ty Anh Minh. Số tiền bán cà phê bị cáo chỉ sử dụng một phần để mua hàng trả vào kho còn lại sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Do đó, đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo không có cơ sở để chấp nhận.

Đối với trách nhiệm dân sự, Tòa án chấp nhận kháng cáo của ngân hàng, xác định ngân hàng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải là chủ thể bị chiếm đoạt tài sản.

Tòa cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, xác định bị cáo Mùi phải bồi thường cho Công ty Anh Minh số tiền 59 tỷ đồng. Giữ nguyên mức án của bị cáo Mùi và các nội dung khác.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục