Trong Ðề án Tái cấu trúc TTCK Việt Nam, mục tiêu Thủ tướng yêu cầu tăng số lượng nhà đầu tư lên 3% dân số, tương đương gần 3 triệu tài khoản đến năm 2020 và nâng lên 5% đến năm 2025. Ông đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành mục tiêu này?
Theo quan điểm của tôi, mục tiêu này của Chính phủ là khả thi vì những lý do sau.
Thứ nhất, tiềm năng thị trường còn rất lớn khi Việt Nam có đến 100 triệu dân với hơn 40tr tài khoản ngân hàng và tập quán tiết kiệm trong dân tạo ra một lượng tiền gửi ngân hàng lên đến trên 5 triệu tỷ đồng.
Thứ hai, xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong nền kinh tế đang trên đà giảm nhanh tạo nhu cầu đa dạng hóa kênh đầu tư của người gửi tiền ngày càng tăng cao.
Thứ ba, thị trường chứng khoán ngày càng được biết đến rộng rãi hơn qua các phương tiện truyền thông, thu hút được sự chú ý của công chúng ngoài các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm, vàng và USD.
Thứ tư, cùng với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, TTCK trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là đối với lớp nhà đầu tư trẻ, những người có kiến thức và ý thức đầu tư từ rất sớm.
Thứ năm, sản phẩm trên thị trường chứng khoán ngày càng đa dạng, phục vụ cho nhiều mục đích đầu tư như sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai chỉ số VN30, chứng chỉ quỹ... Và yếu cũng rất quan trọng nữa là chất lượng đội ngũ nhân lực ngành chứng khoán ngày một nâng cao, cùng với sự minh bạch thông tin ngày càng cải thiện sẽ tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Trong khi đó, theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tính đến cuối tháng 6 có gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán trong nước đang giao dịch, tăng 7,1% so với cuối năm 2019.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu năm, có 131.763 tài khoản được mở mới, trong đó 99% là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Con số này tương đương với khoảng 2,6% dân số, rất gần với mục tiêu 3% mà Chính phủ đưa ra.
Trên thực tế, số lượng tài khoản tăng không quan trọng bằng việc tài khoản active. Việc cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày (T+0) được xem là một giải pháp tối ưu trong việc “cởi trói” thanh khoản cho thị trường, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa triển khai được. Là một thành viên thị trường, theo ông, việc triển khai cơ chế này đang bị vướng mắc ở đâu?
Tôi cho rằng việc thực hiện mua bán chứng khoán trong ngày (T0) vừa là một giải pháp vừa là mục tiêu trong quá trình phát triển thị trường.
Nhìn từ kinh nghiệm của các nước đi trước thì để đạt được mục tiêu này cần có quá trình tích lũy kiến thức, năng lực quản lý, trình độ công nghệ và sự đầu tư khá lớn của cả cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường.
Các thị trường chung quanh Việt Nam cũng đã phải mất nhiều thời gian để rút ngắn thời gian qui trình từ T+3 xuống T+2. Đơn cử như thị trường lớn và phát triển như Nhật Bản mới chỉ bắt đầu áp dụng T+2 từ tháng 7/2019. Hay Thái lan cũng trải qua hàng chục năm áp dụng T+3 trước khi thực hiện T+2 từ tháng 3/2018.
Vấn đề đáng quan tâm của việc áp dụng cơ chế mua - bán T0 là khả năng quản lý rủi ro của các thành viên tham gia thị trường.
Tôi cho rằng, các công ty chứng khoán cần phải tăng cường nguồn lực để nâng cấp hệ thống công nghệ, bổ sung hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ …một cách nghiêm túc, chặt chẽ để có thể vận hành trơn tru cơ chế T0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy các công ty chứng khoán đầu tư chiều sâu cho công nghệ giao dịch, thậm chí hướng tới mô hình robot thay nhân viên. Nhưng theo ông, đâu mới là “vũ khí” cạnh tranh thời đại mới của các công ty chứng khoán?
Tôi nghĩ cách mạng gì thì cũng là từ con người, nên vũ khí cạnh tranh quan trọng nhất luôn là chất lượng con người.
Công ty chứng khoán nào có được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp vững vàng, có tầm nhìn rộng, có kiến thức và kỹ năng vượt trội đi trước sự phát triển của thị trường sẽ là công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo dựng được hiệu quả hoạt động lành mạnh, bền vững.
So với các ngành nghề kinh doanh khác, chứng khoán vẫn khá non trẻ. Nếu có thể phác họa về tương lai thị trường trong 5 năm tới, như theo đề án tái cấu trúc của Thủ tướng chính phủ, thì có thể hình dung về sự phát triển của thị trường trong giai đoạn mới như thế nào, theo ông?
Sau 20 năm phát triển, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân.
Thị trường chứng khoán đang bắt đầu song hành với thị trường tín dụng ngân hàng, bổ sung hỗ trợ cho nhau tạo ra một thị trường tài chính ngày càng hiện đại đáp ứng ngày càng hiệu quả bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định được vai trò trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế.
Từ đề án tái cấu của Chính phủ, tôi kỳ vọng bức trang thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ những điểm sáng.
Thứ nhất, số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường sẽ tăng lên cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng như sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân, chất lượng quản trị doanh nghiệp cũng như độ tin cậy của hệ thống công bố thông tin sẽ được cải thiện đáng kể. Khi thị trường chứng khoán minh bạch và chất lượng hơn sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thứ hai, chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ nói chung và các công ty chứng khoán, quản lý quỹ nói riêng sẽ được tăng lên đáng kể với các chuẩn mực về quản trị và an toàn hoạt động cao hơn.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng đặc biệt là về công nghệ thông tin của thị trường sẽ được hoàn thiện và phát triển nhanh chóng với nhiều hàng hóa và sản phẩm mới phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của từng loại hình khách hàng.
Thứ tư, Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng bước vào sân chơi lớn cùng với thị trường chứng khoán các nước trong khu vực.
Thứ năm, chất lượng giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của thị trường sẽ được cải thiện cơ bản.
Thứ sáu, thị trường sẽ phát triển ổn định về cả quy mô và thanh khoản và sẽ khuyến khích không chỉ nhiều doanh nghiệp lớn trong nước niêm yết cổ phiếu, trái phiếu mà còn thu hút sự chú ý của cả cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, xem Việt Nam là điểm đến an toàn và hiệu quả để huy động vốn. Đi cùng với đó, nền tảng nhà đầu tư tham gia thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.