Vụ JVC: Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư quá yếu

JVC luôn là cổ phiếu được quan tâm, với số cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên cao. Bản thân công ty này cũng có kết quả kinh doanh tốt, chia cổ tức cao và kín room khối ngoại. Mới đây, JVC còn thành công trong phát hành để huy động vốn cho dự án mới và tiềm năng ở Việt Nam là xe khám bệnh lưu động. Không chỉ vậy, vài tờ tạp chí có uy tín còn xếp JVC vào danh sách những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Vụ JVC: Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư quá yếu

Nhưng những điều này không thể bảo đảm cho nhà đầu tư tránh khỏi biến cố lớn, khiến giá trị thị trường JVC mất đi cả ngàn tỷ đồng. Có phải nhà đầu tư quá tin vào những con số nên bị thiệt hại? Để trả lời vấn đề này, hãy nhìn từ góc độ thông tin.

Sau khi xảy ra biến cố, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chờ đủ 10 phiên giảm sàn mới yêu cầu JVC giải thích thông tin bất thường. Trong khi đó, vốn hóa thị trường JVC đã mất hơn ngàn tỷ đồng, nhà đầu tư thì sốt ruột từ trước khi có phiên giảm sàn nhiều hôm. Sở làm đúng quy định, nhưng rõ ràng có thể thấy, công cụ bảo vệ nhà đầu tư này rất kém hiệu quả.

Có bề dày lịch sử hoạt động gần 15 năm với đối tác Nhật, JVC để xảy ra biến cố lớn cũng là chuyện lạ.

Người Nhật có truyền thống kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Khi đầu tư vào doanh nghiệp nào, họ đều xem xét rất kỹ. Chẳng hạn, khi đầu tư vào Công ty Diana, họ tới lui gặp gỡ để tìm hiểu lãnh đạo đối tác khoảng hơn 9 tháng mới đưa ra quyết định. Tại JVC, Quỹ Đầu tư DI Asian Indutrial Fund của Nhật nắm đến 20% cổ phần JVC. Biến cố lần này khiến nhà đầu tư suy nghĩ về vai trò của cổ đông lớn người Nhật tại JVC.

Trước hết, cũng cần phải ghi nhận thái độ nhiệt tình khi ứng phó với biến cố. Khi có tin ông Hướng bị bắt, ban lãnh đạo JVC đã lập một ban lãnh đạo mới thay thế, trong đó có đại diện của DI Asian Indutrial Fund tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, cổ đông lớn này vẫn chưa làm rõ với nhà đầu tư các vấn đề về hoạt động kinh doanh hiện tại, cũng như vì sao Tổng giám đốc cũ bị bắt. Đây là thông tin cốt yếu nhất.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, người từng nhiều năm công tác tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thì những doanh nghiệp có nhà đầu tư Nhật rót vốn trở thành bảo chứng niềm tin mạnh mẽ cho một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp JVC, ngay cả cổ đông lớn nhất như DI cũng không biết chuyện gì đang xảy ra, khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.

Với tư cách là nhà tư vấn nhiều năm làm việc với nhà đầu tư Nhật, ông Võ Tấn Khương có quan điểm khác.

Theo ông Khương, mặc dù người Nhật rất kỹ tính khi đầu tư, nhưng đây là chuyện lớn, nên họ phải báo cáo lãnh đạo bên Nhật để xin ý kiến. Chính vì vậy, nhà đầu tư thấy họ phản ứng có phần chậm chạp.

Sau biến cố này, rõ ràng nhà đầu tư Nhật sẽ cẩn trọng hơn nữa với doanh nghiệp Việt. Nhưng ông Khương cho rằng, với người Nhật, đây chỉ là một “ung nhọt” nhỏ trong quan hệ đầu tư. Với những lĩnh vực hấp dẫn, họ vẫn tìm hiểu và rót vốn bình thường.

Nhưng thách thức của họ vẫn còn đó. Theo ông Lân, hiện nay, niềm tin của nhà đầu tư ở JVC đã vơi đi rất nhiều. Do đó, ban lãnh đạo mới, gồm các cổ đông lớn là người Nhật, cần phải làm nhiều việc để lấy lại niềm tin đã mất. Không chỉ giải thích hết các thắc mắc của nhà đầu tư, JVC cần công bố tình hình hoạt động kinh doanh hiện tại một cách chân thực.

“Quan trọng hơn, họ cần chấn chỉnh lại cách công bố thông tin và mối quan hệ với nhà đầu tư, để tránh những thiệt hại không đáng có như vừa rồi”, ông Lân khuyến nghị.

Giản Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục