Viện Kiểm sát đề nghị bác kháng cáo
Trong quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.085 tỷ đồng của 5 công ty, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng do kinh doanh thua lỗ, Như đã lợi dụng chức vụ là quyền trưởng phòng kinh doanh để huy động vốn, thỏa thuận ngầm trả lãi suất cao, trả phí giao dịch cho khách hàng sau đó làm giả con dấu, giả chữ ký, đánh tráo, thay đổi một số nội dung trong hợp đồng. Huyền Như có ý định gian dối ngay từ đầu khi các công ty chưa gửi tiền và sau đó đã chiếm đoạt của 5 công ty (gồm Công ty chứng khoán Phương Đông, Công ty chứng khoán Saigonbank – Berjaya (Công ty SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty Đầu tư và thương mại An Lộc, Công ty Đầu tư Hưng Yên) 1.085 tỷ đồng.
Về kháng cáo của 4 công ty (Công ty Hưng Yên không kháng cáo), Viện Kiểm sát cho rằng cả 4 công ty đều thỏa thuận ngầm với Như để hưởng lãi suất cao, lãi suất ngoài hợp đồng từ 2% đến 7%, đây là thỏa thận trái pháp luật, trái quy định Ngân hàng Nhà nước.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, VietinBank không thể biết được thỏa thuận ngầm giữa các bên với Huyền Như vì Huyền Như không thông báo cho ngân hàng. Vietinbank không có lỗi trong sai phạm của Huỳnh Thị Huyền Như khi các bên đã cùng với Như ký hợp đồng giả tạo để hưởng lãi suất vượt trần.
Theo Bản án sơ thẩm, Lê Thị Thanh Phương, nguyên Giám đốc khối nguồn vốn TPBank đã thỏa thuận với Huyền Như về việc TPBank sẽ thông qua Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc để gửi vào Vietinbank. Lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5 – 5,5%/năm.
TPBank đã ký 11 hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán, hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với 2 công ty trị giá 1.860 tỷ đồng nhưng thực chất các hợp đồng này chỉ là căn cứ để TPBank chuyển tiền cho các công ty đứng tên gửi tiền vào Vietinbank.
Theo Viện Kiểm sát, 4 nguyên đơn dân sự có lỗi đã phó thác cho Huyền Như thao túng, mở hợp đồng, ký các giấy tờ thủ tục theo chỉ dẫn của Huyền Như để được hưởng lãi suất vượt trần. Khi thỏa thuận nhận tiền lãi suất cao ngoài hợp đồng, các công ty đã cùng với Huyền Như đã tạo lập hợp đồng ủy thác đầu tư giả giữa các bên, đó là các hợp đồng không trung thực, không ngay thẳng, trái pháp luật.
Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của 4 nguyên đơn dân sự.
Đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát, luật sư Nguyễn Văn Ngoan, bào chữa cho Huyền Như cho rằng các công ty là sân sau của các ngân hàng để che đậy giao dịch bất hợp pháp nhằm kiếm lời.
Bản án sơ thẩm có 10 sai lầm pháp lý
Nhìn chung, cả 4 công ty đều cho rằng tiền đã được gửi vào Vietinbank nên Vietinbank phải chịu trách nhiệm trả tiền. Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Công ty Bảo hiểm Toàn cầu cho rằng khi thực hiện các hành vi, Huyền Như thực hiện chức trách của một cán bộ Vietinbank. Công ty Bảo hiểm Toàn cầu đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước khi mở tài khoản thanh toán, Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bảo vệ cho Công ty SBBS cho biết, khi Như có những hành vi gian dối ban đầu thì cả 5 công ty (đều chưa gửi tiền vào ngân hàng, nên Như chưa thể chiếm đoạt được tiền. Chỉ khi 5 công ty mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản thì Như mới rút tiền ra. Việc mở tài khoản của SBBS là hợp pháp, hợp lệ. SBBS không phải là nạn nhân của Huyền Như.
Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn, hành vi của bị cáo Tuấn xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau. Bản án sơ thẩm giai đoạn 1 năm 2014 tuyên phạt bị cáo 20 năm tù về tội lừa đảo. Riêng hành vi lừa đảo tiền của các công ty được điều tra trong giai đoạn 2 là hành vi độc lập chưa được xét xử trước đó. Do đó, ý kiến bị cáo bị xét xử hai lần cho 1 hành vi không được chấp nhận.
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, theo đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Tuấn có hành vi tích cực giúp sức cho Như, gây thiệt hại cho Công ty Hưng Yên 200 tỷ đồng, cần xử lý nghiêm khắc. Mức án 7 năm tù giam là tương xứng với mức độ hành vi của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.