Bác đề nghị triệu tập Ngân hàng Nhà nước
Sáng 28/5, trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo 1.085 tỷ đồng, trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, các luật sư đã đề nghị triệu tập thêm nhiều cá nhân liên quan như đại diện Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vietinbank Chi nhánh TP.HCM...
Luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật BASICO) đề nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank, cho rằng cần xác định Vietinbank là bị đơn dân sự.
Luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank cho rằng, việc một số nguyên đơn dân sự đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt của các bị cáo là trái với quyền hạn luật pháp quy định. Nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo liên quan đến phần bồi thường.
Trước ý kiến của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, việc triệu tập thêm một số cá nhân là không cần thiết, việc một số người vắng mặt không ảnh hưởng đến xét xử, bởi những các nhân này đều có lời khai trong quá trình điều tra, xét xử ở các phiên tòa sơ thẩm Huyền Như giai đoạn 1, sơ thẩm giai đoạn 1, phúc thẩm giai đoạn 1.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản giải thích một số nội dung liên quan quy định ngân hàng, có trong hồ sơ vụ án. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm tiếp tục xét xử.
HĐXX sau khi hội ý cũng cho rằng, việc triệu tập thêm là không cần thiết. Về ý kiến đề nghị xác định tư cách tham gia tố tụng và quyền hạn kháng cáo, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.
Trước khi bắt đầu phần thẩm vấn, Chủ tọa phiên tòa cho biết, bà Lê Thị Thanh Phương, nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng Tienphong Bank có đơn kháng cáo đề ngày 18/5/2018, bà Phương không tham dự phiên tòa sơ thẩm.
Kết thúc phiên tòa, bà Phương đã nhận được bản án sơ thẩm, được tống đạt trực tiếp vào tháng 3/3018 nhưng đến tháng 5/2018 bà Phương mới có kháng cáo. Tòa cấp cao đã thành lập hội đồng xét kháng cáo của Phương và ra quyết định không chấp nhận kháng cáo vì lý do quá hạn không chính đáng.
Nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè xin giảm nhẹ hình phạt
Bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng, cùng 1 hành vi bị cáo đã bị xét xử nhiều lần không đúng với quy định về pháp luật hình sự.
Theo trình bày của bị cáo Tuấn, theo lời giới thiệu của Huyền Như rằng có khách muốn gửi tiền, bị cáo đã bay ra Hà Nội gặp vài cán bộ ngân hàng. Quá trình Huyền Như huy động vốn của ngân hàng như thế nào bị cáo không biết, chỉ biết là Huyền Như có gửi email cho bị cáo bản hợp đồng trống, không ghi tên bên A, bên B, không ghi nội dung cụ thể điều khoản. Bị cáo thấy không làm được nên đã từ chối và cũng không để ý.
Việc bị cáo Huyền Như tự xưng là “Quyên - nhân viên của Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè”, bị cáo Tuấn khai không biết. Theo bị cáo, nếu biết Huyền Như tự xưng là nhân viên Chi nhánh Nhà Bè thì bị cáo không bao giờ cho phép.
Bị cáo Huyền Như có lời khai phù hợp với lời khai của bị cáo Tuấn, theo đó, khi có mặt bị cáo Tuấn, Huyền Như không giới thiệu rằng bản thân tên là “Quyên”. Theo Như, sở dĩ không giới thiệu là vì Như đã nhiều lần làm việc (nhận gửi tiền), đã biết nhau, nên không cần giới thiệu lại.
Huyền Như thừa nhận đánh tráo các trang nội dung của hợp đồng
Các công ty gồm CTCP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (Công ty SBBS), CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, CTCP Chứng khoán Phương Đông, CTCP Đầu tư và Thương mại An Lộc đều có kháng cáo về phần bồi thường.
Theo đó, các công ty này cho rằng, Vietinbank phải bồi thường cho họ chứ không phải Huyền Như, bởi họ đã gửi tiền vào Vietinbank, không gửi tiền cho Huyền Như.
Trong đơn kháng cáo, Công ty SBBS đòi hoàn trả 210 tỷ đồng cùng lãi suất. Tuy nhiên, Công ty SBBS không nêu rõ yêu cầu bao nhiêu tiền lãi.
Công ty Chứng khoán Phương Đông đòi hoàn trả 380 tỷ đồng.
Công ty An Lộc đòi 170 tỷ đồng. Cả Công ty An Lộc và Công ty Chứng khoán Phương Đông đều không yêu cầu lãi suất, vì không có điều kiện chứng minh, lãi suất đã có nhiều lần biến động.
Công ty Bảo hiểm Toàn cầu yêu cầu bồi thường 125 tỷ đồng tiền gốc và 24,8 tỷ đồng tiền lãi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Huyền Như thừa nhận, lấy tên giả là “Quyên”, lấy danh nghĩa cán bộ tín dụng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè để huy động tiền gửi với lãi suất cao, vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bị cáo Như cũng thừa nhận các hành vi giả chữ ký, giả con dấu, rút tiền của các công ty để chiếm đoạt. Để chi nhánh ký hợp đồng, bị cáo Như làm hợp đồng thật, với các điều khoản, nội dung theo đúng quy định ngân hàng, nhưng sau đó bị cáo đã thay thế các trang nội dung cho phù hợp với thỏa thuận riêng...
Theo lời khai của Huyền Như, bị cáo đã móc nối với một số nhân viên của các đơn vị, trả tiền phí giới thiệu và phí môi giới. Cụ thể, Huyền Như đã trả cho Vũ Minh Hải, nhân viên Công ty Chứng khoán Phương Đông 16,9 tỷ đồng tiền môi giới hợp đồng, trả cho một số cá nhân là người thân của bà Lê Thị Thanh Phương, nguyên Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng Tienphong Bank 6,7 tỷ đồng...
Được biết, bản án sơ thẩm xác định, do kinh doanh bất động sản thua lỗ, Huyền Như đã vay tiền trên 200 tỷ đồng, để có tiền trả nợ, Huyền Như ngay từ đầu đã dự mưu thực hiện hàng loạt hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của các công ty nói trên.
Bản án sơ thẩm cho rằng, sở dĩ bị cáo Như thực hiện trót lọt chiếm đoạt tiền của 5 đơn vị một cách dễ dàng là do tát cả các chủ tài khoản giao dịch bất hợp pháp, thỏa thuận ngầm với Huyền Như về lãi suất ngoài hợp đồng. Đây là lỗi của 5 nguyên đơn dân sự với tư cách là chủ tài khoản đã bỏ mặc hoặc phó thác cho Huyền Như thao túng, chỉ quan tâm đến việc nhận lãi suất cao.
Các nguyên đơn dân sự đã cùng với Huyền Như tạo ra các hợp đồng kinh tế giả tạo để che đậy việc nhận tiền chênh lệch ngoài hợp đồng chẳng hạn như mua chứng khoán, môi giới chứng khoán, hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với Công ty Phương Đông, Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt mà trong đó Công ty An Lộc là công ty con của Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt.
Thực chất các hợp đồng này chỉ là căn cứ để Tienphong Bank chuyển tiền cho Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc đứng tên gửi tiền, hưởng lãi suất ngoài hợp đồng từ 5 – 5,5%.