Vụ “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn: Ngân hàng chưa cung cấp hồ sơ về tài sản được giao

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tình tiết chưa được làm rõ liên quan đến các ngân hàng trong vụ việc cựu tử tù Liên Khui Thìn tố cáo có thất thoát tài sản của mình trong thời gian thụ án.
Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Phước (TP.HCM) mà ông Thìn cho rằng, đó là tài sản của mình bị thất thoát. Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Phước (TP.HCM) mà ông Thìn cho rằng, đó là tài sản của mình bị thất thoát.

Từ năm 2021, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã đề nghị hàng loạt ngân hàng cung cấp hồ sơ liên quan đến việc xử lý tài sản mà bản án xét xử vụ Epco - Minh Phụng đã tuyên giao các ngân hàng trên quản lý, khai thác phát mãi thu hồi nợ. Kỳ lạ là, đến nay, chỉ có 1 ngân hàng xác nhận công nợ của cựu tử tù Liên Khui Thìn. Trong khi đó, vụ việc này đã thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Dù Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã vào cuộc...

Mới đây, tại Văn bản số 11391/CTHADS, ngày 14/6/2022 gửi ngân hàng và Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM liên quan vụ án cựu tử tù Liên Khui Thìn tố cáo có thất thoát tài sản, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nêu: “Do vụ việc là án kinh tế, tham nhũng thuộc diện theo dõi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vì vậy, rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của Ngân hàng trong thời gian sớm nhất”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, “vụ án” mà Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề cập tại Văn bản số 11391 là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Epco (TP.HCM) và một số đơn vị có liên quan”, được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố tháng 4/2021, sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh tố cáo của cựu tử tù Liên Khui Thìn.

Cụ thể, theo tố cáo, ông Thìn được đặc xá vào ngày 2/9/2009 và phần trách nhiệm dân sự còn phải liên đới bồi thường là 482 tỷ đồng (trong tổng số 1.051 tỷ đồng, đã thi hành được 569 tỷ đồng).

Từ khi Bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT, ngày 12/1/2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM (xét xử vụ Epco - Minh Phụng) có hiệu lực (12/1/2000) tới nay đã hơn 20 năm và từ lúc ông Thìn được đặc xá đến nay đã hơn 12 năm, nhưng việc thi hành án vẫn không thể hoàn thành. Ông Thìn cho rằng, khi ông còn trong tù, khối lượng tài sản giá trị lớn của mình và Công ty Epco đã lọt vào tay nhiều cá nhân, tổ chức mà ông gọi là “nhóm lợi ích”.

Sau khi khởi tố vụ án hình sự, C03 cũng đã có Công văn số 198/CV-CSKT-P10 đề nghị chính quyền địa phương thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM) ngăn chặn, không cho thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh đối với nhiều lô đất, gồm: lô đất 31.087 m2 tại phường Thảo Điền; lô đất 4.020 m2 tại phường Bình An và lô đất 34.517,8 m2 tại phường An Phú.

Nhưng các ngân hàng… rất lạ

Sở dĩ Cục Thi hành án dân sự TP.HCM phải có Văn bản số 11391/CTHADS ngày 14/6/2022 đề nghị các cơ quan “quan tâm chỉ đạo”, đặc biệt là sự “phối hợp của Ngân hàng trong thời gian sớm nhất” là bởi, để thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT, Cục đã ban hành hàng loạt quyết định, gồm: Quyết định thi hành án số 220/THA-YC, ngày 31/3/2000 (Quyết định thi hành án mới 2342/QĐ-THA ngày 10/5/2013), đơn vị được thi hành án là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM; Quyết định thi hành án số 174/THA-YC ngày 14/3/2000 (Quyết định thi hành án mới số 3272/QĐ-THA ngày 12/8/2013), đơn vị được thi hành án là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM.

Để có cơ sở tổ chức thi hành Bản án số 05/HSPT và đối chiếu công nợ của cựu tử tù Liên Khui Thìn với các ngân hàng, từ tháng 8/2021, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có Công văn số 11976/CTHADS đề nghị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chỉ đạo Chi nhánh tại TP.HCM cung cấp các thông tin và hồ sơ liên quan đến việc xử lý tài sản mà Bản án đã tuyên giao các ngân hàng trên quản lý, khai thác phát mãi thu hồi nợ.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm, đến nay, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chỉ mới nhận được văn bản xác nhận công nợ của ông Liên Khui Thìn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, dẫn đến việc đối chiếu công nợ giữa ông Liên Khui Thìn và các ngân hàng không đạt hiệu quả. Các bên không thống nhất được các số liệu, do chưa đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.

Trong khi đó, cựu tử tù Liên Khui Thìn luôn hối thúc các bên cung cấp hồ sơ, đối chiếu công nợ để ông có kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của mình cho ngân hàng trong thời gian sớm nhất.

Do đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM mới phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức có liên quan cung cấp số liệu, hồ sơ xử lý tài sản cho Cục và ông Liên Khui Thìn, tránh trường hợp kéo dài gây khiếu nại gay gắt không cần thiết từ người phải thi hành án, cùng với đó là việc thi hành án kéo dài thêm.

Và “cuộc đấu” tranh chấp dân sự

Như Báo Đầu tư đã phản ánh, song song với việc tố cáo, ông Liên Khui Thìn đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM đòi lại quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình tại Công ty TNHH Tây Sơn.

Cụ thể, khoảng năm 1996, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai mỗi người góp 50% vốn thành lập Công ty TNHH Tây Sơn. Sau đó, ông Thìn bị bắt trong vụ án Epco - Minh Phụng. Bà Mai làm đơn hỏi về việc xử lý phần vốn góp của ông Thìn tại Công ty TNHH Tây Sơn và nhận được Công văn số 123, ngày 22/8/2000 của Tòa án Nhân dân TP.HCM trả lời: “Ông Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty TNHH Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó lại lấy tài sản của Công ty trị giá 1,5 tỷ đồng để thế chấp nơi khác thì coi như cũng không còn vốn điều lệ trong Công ty Tây Sơn nữa”.

Từ đó, bà Mai tiến hành đăng ký lại doanh nghiệp, thay đổi danh sách thành viên và chuyển nhượng vốn góp. Sau khi ra tù, ông Thìn cho rằng, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty TNHH Tây Sơn mà không hỏi ý kiến của mình (theo Luật Doanh nghiệp), nên khởi kiện đòi lại quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình.

Diễn biến mới nhất của vụ việc trên, mới đây, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án phúc thẩm, đẩy ông Thìn từ người thắng kiện ở phiên sơ thẩm trở thành người thua kiện phiên phúc thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng Xét xử nhận định, Công văn số 123, ngày 22/8/2000 của Tòa án Nhân dân TP.HCM không phải là bản án hoặc quyết định của tòa án và nội dung của Công văn giải thích vấn đề không thuộc phạm vi xét xử vụ án hình sự đã được tuyên tại Bản án hình sự sơ thẩm số 1509 năm 1999 (xét xử ông Thìn trong vụ án Epco - Minh Phụng).

Do đó, việc cho rằng ông Liên Khui Thìn không còn là thành viên của Công ty TNHH Tây Sơn được viện dẫn theo nội dung trong công văn trên không được coi là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Từ đây, Tòa sơ thẩm tuyên bố, các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với các cá nhân khác là vô hiệu.

Nhưng Hội đồng Xét xử phúc thẩm mới đây lại cho rằng, Công văn số 123, ngày 22/8/2000 của Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xác định ông Thìn không còn vốn góp trong Công ty TNHH Tây Sơn, nên yêu cầu khởi kiện của ông Thìn là chưa phù hợp với thực tế vụ án.

Từ đó, Hội đồng Xét xử phúc thẩm đã tuyên ngược lại Bản án sơ thẩm, tức ông Thìn đang thắng trở thành thua.

Liên quan kết quả phúc thẩm, luật sư của ông Liên Khui Thìn cho biết, sẽ tiếp tục yêu cầu giám đốc thẩm vụ án này để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Theo vị luật sư này, có nhiều cơ sở pháp lý như: Bản án hình sự sơ thẩm số 1509 không nhắc đến việc tịch thu cổ phần của ông Thìn trong Công ty TNHH Tây Sơn. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tại phiên sơ thẩm cũng đã đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm; trong khi đó, các bị đơn (phía bà Nguyễn Thị Tuyết Mai) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh việc chuyển nhượng vốn góp đã có sự đồng ý của nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn; đến các phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cũng không cung cấp thêm chứng cứ mới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này khi có phán xử của cơ quan chức năng.

Khối tài sản khổng lồ mà cựu tử tù Liên Khui Thìn cho rằng bị thất thoát khi ông ở trong tù (chấp hành bản án của vụ án Epco - Minh Phụng) gồm tài sản tại Công ty TNHH Epco, như: cụm khách sạn, văn phòng tại số 120 - 122A, B, C và nhà xưởng 7.210 m2 tại số 462H, cùng ở đường Cách mạng Tháng Tám (quận 3, TP.HCM); 10.060 m2 đất tại đường Lê Lợi (TP. Vũng Tàu); 1.600 m2 tại đường Võ Thị Sáu (Vũng Tàu); 9.997 m2 đất và 9 biệt thự tại phường An Phú (TP. Thủ Đức, TP.HCM)…

Cùng với đó, còn có căn nhà 445,5 m2 tại số 282 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM); Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức, TP.HCM); cụm kho Hồng Long 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương); 10.347 m2 đất mặt tiền đường Trường Sơn; căn nhà 61A, 61B - Tú Xương (quận 3, TP.HCM); 10.937 m2 đất mặt tiền đường Lương Định Của (Thủ Đức, TP.HCM); Ngoài ra, còn có 20.000 m2 đất khu Chí Linh và 18.000 m2 đất mua của Công ty IMEXCO (Vũng Tàu); nhà xưởng 1 ha tại số 16 - Phước Long (Nha Trang); 5 biệt thự trên đường Xuân Thủy (phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.HCM); 10.000 m2 đất tại Chí Linh (Vũng Tàu); biệt thự Mai Lan (TP. Bà Rịa)…

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục