Bài 3: Khi đích đến là “núi” tài sản
Đáng nói là, dù cơ quan chức năng đã hướng dẫn phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, nhưng Công ty H.L lại dùng văn bản giải thích của thẩm phán khác để xóa thành viên, xóa vốn góp. Cơ quan công an còn phát hiện, có hàng loạt giấy chứng nhận thay đổi xuất phát từ… hồ sơ giả do công ty này lập.
Quyết xóa sổ
Trong đơn tố cáo gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cựu tử tù Liên Khui Thìn cho hay, Công ty TNHH H.L (xin viết tắt tên) do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, được thành lập ngày 25/3/1995 theo Giấy phép số 444/GP-UB do UBND TP.HCM cấp. Nội dung trong đơn tố cáo của ông Thìn kết hợp tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, ở Công ty H.L, ông Thìn có 75% vốn (nhờ nhiều người đứng tên) và giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn ông Đ.H.C có 25% vốn, làm Giám đốc Công ty.
Khi vụ án Epco - Minh Phụng xảy ra, cuối tháng 6/1997, tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, ông Thìn đã ủy quyền cho ông Đ.H.C thay mặt điều hành hoạt động của Công ty H.L và có trách nhiệm xử lý công nợ với ngân hàng cũng như thay mặt ông Thìn thu hồi tài sản về cho Công ty H.L.
Sau khi ông Thìn bị tuyên án tử hình (năm 2000, vụ Epco - Minh Phụng), năm 2001, ông Đ.H.C cho làm hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đăng ký giảm vốn, giả thành viên (xóa tên ông Thìn và bà Trần Kim Lệ khỏi Công ty H.L).
Tháng 3/2001, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có công văn hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trường hợp này. Tháng 10/2001, Sở này lại tiếp tục có công văn hỏi ý kiến của Tòa án Nhân dân TP.HCM, cùng một nội dung.
Có 3 văn bản hồi đáp câu hỏi của Sở, trong đó, 2/3 văn bản cùng 1 quan điểm.
Cụ thể, ngày 5/4/2001, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 2140 hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM với nội dung: ông Thìn là quản lý doanh nghiệp, nhưng đang phải chấp hành án tù, thì không còn là thành viên và phải chuyển nhượng phần vốn góp của mình theo Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phải “đề nghị Công ty (Công ty H.L - PV) trao đổi với ông Thìn để thực hiện đúng quy định tại khoản 6, Điều 9 Luật Doanh nghiệp”.
Cùng quan điểm, Văn bản số 1999/VP-TA, ngày 14/11/2001 của Tòa án Nhân dân TP.HCM do ông Bùi Hoàng Danh, Phó chánh án thay mặt Chánh án ký cũng nêu: “Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, Tòa án Nhân dân TP.HCM không có ý kiến cụ thể về việc giảm vốn và thành viên trên”.
Điều bất thường là, cùng một vấn đề và cùng văn bản nói trên của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, dù Phó chánh án đã trả lời, nhưng tới ngày 3/12/2001, Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu lại ký Công văn số 2592/CV-TA với nội dung: “Kết quả điều tra tại phiên tòa sơ thẩm đã xác định, bị cáo Liên Khui Thìn, bà Trần Kim Lệ là thành viên góp vốn của Công ty H.L (bà Lệ chỉ đứng tên trên danh nghĩa, còn tiền góp là của Liên Khui Thìn). Khoản tiền góp vốn nói trên của Liên Khui Thìn (trong đó có cả phần tiền mà bà Lệ đứng tên) sau đó được sử dụng vào việc thành lập Công ty H.L Nha Trang. Bản án sơ thẩm số 1590/HSST ngày 4/8/1999 đã quyết định thu hồi số tiền 2.450.000.000 đồng thuộc Công ty H.L Nha Trang của Liên Khui Thìn để đảm bảo thi hành án. Như vậy, vốn góp của bị cáo Liên Khui Thìn và bà Trần Kim Lệ trong Công ty H.L không còn nữa và đương nhiên bị xóa tên góp vốn”.
Có thể thấy, vụ “xóa tên, thay thành viên” ở Công ty H.L cũng tương tự Công ty T.S. Đáng lưu ý, ở vụ Công ty T.S, Tòa Dân sự Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa qua đã tuyên ông Thìn thắng kiện, bởi việc Công ty T.S không hỏi ý kiến ông theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà vận dụng văn bản giải thích của Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu là “trật luật”. Bởi công văn của thẩm phán không phải là bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và nội dung công văn giải thích vấn đề không thuộc phạm vi xét xử của vụ án hình sự đã được tuyên xử bởi Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST của Tòa án Nhân dân TP.HCM.
Đối chiếu theo đó, thì văn bản trả lời về vụ Công ty H.L của vị thẩm phán này cũng không thể được áp dụng, mà phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, tức là, tối thiểu phải hỏi ý kiến ông Thìn, chứ không thể “đương nhiên” xóa tên góp vốn.
Công ty H.L đã không hỏi ý kiến ông Thìn, bỏ qua 2/3 ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành và chọn ý kiến có lợi nhất cho mục đích của mình (văn bản do Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ký), làm hồ sơ gửi và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp phép thay đổi, xóa vốn góp và tư cách thành viên của ông Thìn.
Giả mạo hồ sơ?
Ông Thìn cho rằng, ông Đ.H.C và Công ty H.L đã giả mạo hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, mới dẫn tới việc Sở cấp lại giấy phép và loại ông ra.
Tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, vào tháng 9/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có Thông báo QDVP/30025091 đến Công ty H.L về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Động thái này căn cứ vào việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Văn bản số 120/CSKT-P13, ngày 28/8/2020 kết luận, nội dung kê khai trong hàng loạt hồ sơ đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp của Công ty H.L (do ông Đ.H.C làm Giám đốc) để được cấp chứng nhận đăng ký thay đổi là giả mạo.
Các loại giấy tờ bị cơ quan công an xác định có thông tin kê khai giả mạo gồm: chứng nhận đăng ký thay đổi (tờ số 4) ngày 10/5/2001; chứng nhận đăng ký thay đổi (tờ số 5) ngày 13/6/2001; chứng nhận đăng ký thay đổi (tờ số 6) ngày 24/10/2001; chứng nhận đăng ký thay đổi (tờ số 7) ngày 10/12/2001; đăng ký thay đổi lần thứ 5, thứ 6 vào năm 2015; đăng ký thay đổi lần thứ 7 vào năm 2017 và lần thứ 8 vào năm 2018.
Trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hủy bỏ các giấy chứng nhận, xác nhận đã cấp cho Công ty H.L.
Cơ quan chức năng không nêu chi tiết hồ sơ kê khai giả mạo cụ thể, nhưng qua mốc thời gian cho thấy, tại các thời điểm kê khai giả mạo năm 2001, ông Liên Khui Thìn đã bị bắt trong vụ Epco - Minh Phụng. Theo đó, tố cáo của ông Thìn về giả mạo hồ sơ không phải không có căn cứ.
Chỉ bởi khối tài sản khổng lồ
Theo cựu tử tù Liên Khui Thìn, vốn điều lệ Công ty H.L tuy chỉ khoảng 4 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, việc xóa tư cách thành viên hay vốn góp vài tỷ đồng chỉ là bước đi nhằm xóa luôn quyền lợi mà ông được hưởng đối với khối tài sản khổng lồ tại Công ty H.L và Công ty H.L Nha Trang có được trước khi xảy ra vụ Epco - Minh Phụng.
Cần lưu ý rằng, người có vốn góp còn được hưởng quyền lợi từ tài sản hình thành từ nguồn vốn đó, tính tới thời điểm xóa vốn.
Ông Thìn tố, khối tài sản người khác “đương nhiên hưởng” rất lớn, gồm: 5 biệt thự tại phường Thảo Điền (quận 2, nay là TP. Thủ Đức); căn nhà số 282 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3, TP.HCM) hơn 445 m2; Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) hơn 107.450 m2; hơn 10.340 m2 đất mặt tiền đường Trung Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất; 2 căn nhà hơn 153 m2 và 160 m2 tại số 61A, 61B - Tú Xương (quận 3, TP.HCM); Cụm kho Hồng Long 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương); hơn 10.900 m2 đất mặt tiền đường Lương Định Của (quận 2, nay là TP. Thủ Đức); 20.000 m2 đất khu Chí Linh (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); 18.000 m2 đất Công ty H.L mua của Công ty IMEXCO tại Vũng Tàu; 1 ha nhà xưởng tại TP. Nha Trang.
Theo hồ sơ phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, trước năm 1997 (trước khi Liên Khui Thìn bị bắt, vụ Epco - Minh Phụng), Công ty H.L sở hữu 20 khối tài sản. Đơn cử, năm 1995, UBND tỉnh Bình Dương giao trên 64.000 m2 đất ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 cho Công ty H.L để làm kho, bến bãi. Sau đó, công ty này đóng tiền thuê đất 1 lần, nên chuyển thành đất thuê thời hạn 50 năm và vay vốn làm 2 cụm kho. Công ty H.L đã thế chấp cụm kho B (hơn 14.000 m2) cho ngân hàng, nhưng vẫn sở hữu cụm kho A (khoảng 50.000 m2).
Với 5 biệt thự tại phường Thảo Điền, Công ty H.L nhận chuyển nhượng từ doanh nghiệp khác với giá hàng trăm lượng vàng từ năm 1996. Lô đất hơn 10.340 m2 tại cổng sân bay Tân Sơn Nhất là do Công ty H.L bỏ 90% vốn hợp tác với Công ty SXKD xuất nhập khẩu Tân Bình mua để xây dựng và kinh doanh biệt thự.
Những dữ liệu trên cho thấy, lời tố cáo của ông Thìn về khối tài sản của Công ty H.L sở hữu từ trước khi xảy ra vụ Epco - Minh Phụng có những cơ sở nhất định.
Trong đơn tố cáo gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cựu tử tù Liên Khui Thìn viết: “Sau khi loại tên tôi và bà Trần Kim Lệ ra khỏi Công ty H.L, tháng 6/2002, Đ.H.C bổ sung 5 thành viên mới vào Công ty H.L với tỷ lệ nắm giữ như sau: Đ.H.C 30,8 %; P.T.T 15,38 %; Đ.T.S (con ông Đ.H.C) 15,38 %; L.X.H 7,7 %; V.Q.L 7,7 %; P.L 7,7% và N.X.K 15,38 %. Và vốn điều lệ được tăng lên 6.500.000.000 đồng, nhưng thực tế, các thành viên này không góp đồng vốn nào mà đương nhiên chiếm hưởng khối tài sản trong Công ty H.L. Đặc biệt, trong thời điểm đó, ông N.X.K đã chết, nhưng vẫn đề tên trong các hồ sơ nộp cơ quan chức năng…”.
Ông Thìn cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời tố cáo này.
Cựu tử tù Liên Khui Thìn cho rằng, trong số những tài sản của Công ty H.L mà ông liệt kê, Công ty H.L đã tẩu tán không ít, kể cả tài sản phải thi hành án. Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cũng thể hiện, Công ty H.L đã tẩu tán nhiều tài sản đáng lẽ phải dùng để thi hành án ở vụ Epco - Minh Phụng. Đơn cử, Dự án Khu nhà ở Hiệp Bình Phước (TP. Thủ Đức) với gần 500 nền đã bị bán sạch bởi những người quản lý Công ty H.L sau khi loại ông Thìn khỏi danh sách thành viên. Tương tự, căn nhà số 61B - Tú Xương (quận 3, TP.HCM) cũng bị bán thanh lý với giá gần 300 lượng vàng vào tháng 6/2001, sau khi Tòa án xét xử vụ Epco - Minh Phụng…
(Còn tiếp)