Vào các ngày 10-11/12/2020, Tòa án Quân sự Quốc phòng đã xem xét phúc thẩm để giải quyết đơn kháng cáo vụ án sai phạm xảy ra tại Quân chủng Hải Quân. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo về phần biện pháp tư pháp gồm CTCP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần Yên Khánh - Hải Thành, Công ty Hải Thành, Công ty BOT cầu Việt Trì, Công ty BOT & BT Quốc lộ 20, Công ty cổ phần Thái Sơn B.Q.P.
Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên về thu hồi quyền sử dụng đất đối với 3 khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, TPHCM.
Tòa án còn quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất là 934 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành có trách nhiệm nộp số tiền này.
Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền thu lời bất chính là 59 tỷ đồng, Công ty Hải Thành có trách nhiệm nộp số tiền này.
Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền do phạm tội mà có là 15,7 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Yên Khánh có trách nhiệm nộp số tiền này.
Các công ty đồng loạt kháng cáo về quyết định trên. Tòa phúc thẩm nhận định, về số tiền 934 tỷ đồng là tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất 3 khu đất trên. Số tiền này đã được UBND TPHCM chấp nhận để lại cho Quân chủng Hải quân sử dụng để đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng doanh trại và cơ sở phúc lợi khác. Tuy nhiên số tiền trên đã không được nộp về Quân chủng Hải quân mà các bị cáo sử dụng làm giá trị góp vốn vào liên danh trái pháp luật. Do đó, cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
Về số tiền 59 tỷ đồng Công ty Hải Thành thu được từ các đối tác. Tòa án xác định đây là tiền thu lợi bất chính từ việc phạm tội nên cần tịch thu.
Tương tự, số tiền Công ty Yên Khánh thu được 32 tỷ đồng từ việc cho thuê khu đất 7-9 có nguồn gốc từ việc phạm tội của bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt. Do đó cần tịch thu sung ngân sách nhà nước. Nhưng do Công ty Yên Khánh đã chuyển cho Công ty Hải Thành 16,5 tỷ đồng và số tiền này đã được tịch thu từ Công ty Hải Thành nên Công ty Yên Khánh còn phải nộp 15,7 tỷ đồng.
Công ty Yên Khánh, Công ty Yên Khánh Hải Thành có ý kiến đề nghị tòa án cho các bên hoàn thiện thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án tại khu đất số 7-9. Trường hợp thu hồi đất thì buộc Công ty Hải Thành phải bồi thường cho các công ty này số tiền đã đầu tư vào. Tại tòa, đại diện Công ty Yên Khánh đưa ra số liệu là hơn 166 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm thấy rằng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bị các bị cáo chiếm đoạt.
Công ty Yên Khánh, Công ty Yên Khánh Hải Thành có một số khoản chi thực tế nhưng bản chất đây là hoạt động bất hợp pháp nên không có căn cứ chấp nhận.
Một số công ty cũng đề nghị tòa án giải tỏa phong tỏa tài khoản. Tòa phúc thẩm xác định, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Công ty Yên Khánh nên tòa sơ thẩm tuyên tiếp tục phong tỏa tài khoản các công ty trên là đúng pháp luật.
“Tòa sơ thẩm chỉ phong tỏa số tiền tương ứng với số tiền thi hành án, không phong tỏa tài khoản công ty. Mặt khác, Công ty Yên Khánh còn nghĩa vụ trách nhiệm dân sự liên quan đến một số công ty nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bên”, tòa phúc thẩm nhận định.