Vụ cháy Carina: “Cư dân không mua bảo hiểm, Quản lý tòa nhà sẽ phải bồi thường”

(ĐTCK) Ông Phan Quốc Tuấn, chuyên gia bảo hiểm khẳng định với Báo Đầu tư chứng khoán như thế trong trường hợp cư dân đã đóng phí quản lý và trả phí giữ xe hàng tháng.
Ban quản trị Carina có thể đề nghị hãng bảo hiểm tạm ứng tối đa 50% tiền bồi thường

 Ban quản trị Carina có thể đề nghị hãng bảo hiểm tạm ứng tối đa 50% tiền bồi thường

Liên quan đến bồi thường bảo hiểm trong vụ cháy chung cư Carina, có thể thấy không phải cứ mua bảo hiểm là được bồi thường hết vì có thể cư dân chỉ mua một phần trách nhiệm cho những tài sản của cư dân, chứ không mua hết?

Ở đây, ngoài cư dân bị thiệt hại thì vụ cháy còn liên quan đến 2 đối tượng là chủ đầu tư và ban quản trị. Cả 3 đối tượng này đều có thể liên hệ các địa chỉ liên quan để đòi bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc các bên đều tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước tiên là đối với chủ đầu tư và ban quản trị, do là người chịu trách nhiệm chính về vụ cháy nên cần liên hệ với công ty mà mình đã mua bảo hiểm để phối hợp lập hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Chủ đầu tư và ban quản trị có thể rà lại xem đơn bảo hiểm cháy nổ của mình có điều khoản mở rộng cho một phần trách nhiệm cho những tài sản của cư dân mà thuộc trách nhiệm trông coi của mình (cụ thể ở đây là xe gửi tại hầm xe) hay không?

Nếu có điều khoản này thì ngoài phần thiệt hại về tài sản của mình, công ty bảo hiểm còn phải bồi thường thêm số tiền tương ứng với mức trách nhiệm quy định trong hợp đồng bảo hiểm cho những xe bị cháy. Còn không có mở rộng thì chỉ bồi thường những tài sản ghi trong danh mục tài sản đính kèm hợp đồng bảo hiểm. 

Trong hợp đồng bảo hiểm luôn có quy định tạm ứng tối đa 50% số tiền bồi thường. Nên tận dụng điều khoản này (khi nhà bảo hiểm nhận định nguyên nhân tổn thất thuộc phạm vi bồi thường) để đề nghị tạm ứng một phần tiền, nhằm giải quyết nhanh những công việc khắc phục ban đầu.

Ngay cả khi mua đủ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc thì liệu có bị từ chối bồi thường hay không và trong trường hợp nào thì bị từ chối?

Một trong số các nguyên nhân dẫn đến loại trừ của hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có một nguyên nhân rất khó xác định đúng 100%, nó mang tính “chủ quan” cao, đó là "những thiệt hại do bên mua bảo hiểm cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy nổ, do đó khi làm việc với các cơ quan liên quan và công ty bảo hiểm thì tránh để họ kết luận như trên".

Do đó, nếu các cơ quan hữu quan kết luận như trên thì nhà bảo hiểm có thể từ chối một phần hay toàn bộ số tiền bồi thường tùy theo mức độ vi phạm.

Cũng theo thông tin báo chí thì ”không loại trừ khả năng cài vật gây nổ”, nếu xác minh điều này là thật thì có hai tình huống xảy ra: một là do khủng bố, nếu cơ quan hữu quan kết luận đây là một vụ khủng bố thì nguyên nhân này bị loại trừ hoàn toàn trong hầu hết các hợp đồng bảo hiểm.

Hai là do hành động phá hoại, nguyên nhân này thì cần chứng minh người phá hoại không phải là bên mua bảo hiểm thì vẫn được bồi thường.

Đó là đối với chủ đầu tư/ban quản trị. Còn đối với những cư dân có xe bị cháy của cư dân thì nên đi đòi bồi thường thế nào trong trường hợp lỗi do ban quản lý tòa nhà gây ra, thưa ông?

Ở đây, có thể phân chia ra 2 nội dung liên quan đến tài sản riêng của cư dân bị thiệt hại.

Thứ nhất, đối với những người có xe bị cháy, nếu chủ xe ô tô có mua bảo hiểm thiệt hại vật chất xe thì liên hệ công ty bảo hiểm của mình để yêu cầu bồi thường. Nếu công ty bảo hiểm đề nghị đòi bên quản lý tòa nhà thì không nên nghe theo. Cứ yêu cầu họ phải bồi thường cho mình trước, sau đó mình ký giấy Ủy quyền cho họ đi đòi Quản lý tòa nhà sau. 

Vụ cháy Carina: “Cư dân không mua bảo hiểm, Quản lý tòa nhà sẽ phải bồi thường”    ảnh 1

 Ông Phan Quốc Tuấn.

Còn đối với các xe máy bị cháy, hiện tại gần như 100% xe máy không mua bảo hiểm vật chất xe, chỉ có bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bồi thường cho những tổn thất của người khác thuộc trách nhiệm bồi thường của người chủ xe khi ta sử dụng xe), thế nên sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường chiếc xe bị cháy.

Thứ hai, đối với những người mua bảo hiểm căn hộ chung cư ngay từ khi mới làm hồ sơ vay vốn, thông thường khi người dân mua căn hộ và vay ngân hàng thì sẽ phải mua bảo hiểm cho căn hộ của mình. Đó là yêu cầu bắt buộc trong quy định an toàn vốn của Ngân hàng. Lúc đó chúng ta mua bảo hiểm mà căn hộ của chúng ta chưa có đồ gì.

Trong hợp đồng bảo hiểm thường ghi tài sản được bảo hiểm là "giá trị xây dựng khung nhà" thôi, thế nên chúng ta cũng chỉ yêu cầu bên bảo hiểm bồi thường số tiền sửa chữa, dọn dẹp hiện trường cho căn hộ của mình. Còn tài sản, đồ đạc thì không được bồi thường.

Trường hợp sau khi mua đầy đủ đồ trong căn hộ rồi mới mua bảo hiểm sau thì sẽ căn cứ vào "Danh mục tài sản" kê khai để đòi bồi thường.                     

Còn với những đối tượng bị thiệt hại về người (nạn nhân) thì sao, thưa ông?

Đối với những người bị thiệt mạng, sẽ có những khoản bồi thường sau (nếu mua bảo hiểm), đó là bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm tai nạn/chăm sóc sức khỏe mà công ty họ làm việc mua cho họ, tiền tử tuất của Bảo hiểm Xã hội mà họ đang đóng khi đi làm.

Còn đối với những người bị thương, có thể cũng có 2 khoản bồi thường như trên (bảo hiểm nhân thọ - thông thường sẽ có sản phẩm phụ bảo hiểm cho chi phí y tế và nằm viện) và bảo hiểm tai nạn/chăm sóc sức khỏe mà công ty mình làm việc mua cho.

Một lưu ý đặc biệt ở đây đó là đối với những tổn thất về con người (nếu mua bảo hiểm) thì tất cả các hãng bảo hiểm đều phải chi trả.

Sau khi nhận được tiền bảo hiểm thì cư dân không phải ký ủy quyền cho công ty bảo hiểm đòi đơn vị quản lý tòa nhà vì trong trường hợp này cư dân vẫn được đơn vị quản lý tòa nhà bồi thường theo Luật dân sự và những thỏa thuận không trái pháp luật khác.

Đó là tất cả những quyền lợi mà cư dân được hưởng nếu mua bảo hiểm. Còn trong trường hợp không mua bảo hiểm thì sao, thưa ông?

Những tài sản của cư dân bị thiệt hại trong vụ cháy này mà không có bảo hiểm thì Quản lý tòa nhà sẽ phải bồi thường trong trường hợp cư dân đã đóng phí quản lý và trả phí giữ xe hàng tháng.

Trên đây là những thông tin cơ bản, nếu có phát sinh từng trường hợp nào cụ thể, những người liên quan có thể liên hệ với chúng tôi hoặc các hãng bảo hiểm mà mình mua để được tư vấn/hỗ trợ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục