Tăng trưởng thị phần thần tốc
Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kết thúc năm 2021, Công ty chứng khoán VPS đã đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách các công ty có thị phần môi giới lớn nhất, từ môi giới cổ phiếu tới chứng khoán phái sinh.
Trước tiên phải kể tới sàn HOSE - sàn giao dịch lớn nhất cả nước. Nếu như trong năm 2018 VPS chưa có tên trong danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại đây thì năm 2019 thị phần của công ty đã đứng ở mức 3,94%, đứng thứ 7 và là lần đầu tiên điền tên mình trong bảng xếp hạng này.
Liên tiếp trong 2 năm sau đó thị phần trên HOSE của VPS đã có sự tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, năm trước gấp đôi năm sau. Năm 2020 tỷ lệ này là 8,22% và kết thúc năm 2021 ở mức 16,14%.
Đối với mảng môi giới cổ phiếu trên sàn HNX, tốc độ gia tăng thị phần của VPS cũng không kém phần ấn tượng. Chỉ sau 4 năm, thị phần của công ty đã tăng tới gần 5 lần, từ mức 3,38% trong năm 2018 lên mức 16,34% trong năm 2021. Đặc biệt, năm 2021 thị phần của công ty trên HNX cũng tăng gần gấp 2 lần so với năm liền trước, từ 8,4% lên 6,34%.
Kết quả này cũng tương đồng với thị phần môi giới cổ phiếu UpCom của công ty. Nếu như kết thúc năm 2028 thị phần UpCom của VPS đạt gần 4% thì cuối năm 2021 tỷ lệ này đã được nâng lên thành 21,95%, bằng 550% so với 4 năm trước đó. Năm 2021 cũng là năm thị phần UpCom của VPS tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Thành tích có thể coi là ấn tượng nhất của công ty này trong quãng thời gian 4 năm vừa qua về việc mở rộng thị phần có lẽ là ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh. Kết thúc năm 2018 VPS đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất của HNX, với tỷ lệ thị phần là 13,61%.
Chỉ 1 năm sau đó công ty đã chiếm tới 1 nửa thị phần ở mảng này, tăng gần 3,7 lần. Kể từ đó cho tới nay công ty luôn giữ vững ngôi vị số 1 ở mảng môi giới chứng khoán phái sinh với thị phần áp đảo, lên tới hơn 55% trong năm 2021.
Thị phần tăng nhanh, lợi nhuận mỏng, vì đâu nên nỗi?
Với tốc độ tăng trưởng thị phần ấn tượng kể trên, kết thúc năm 2021 VPS đã vượt qua các tên tuổi lớn khác trong ngành chứng khoán để dẫn đầu về doanh thu môi giới với 3.135 tỷ đồng, gấp 5 lần con số của chỉ một năm trước đó.
Để dễ hình dung về khoảng cách mà VPS tạo ra với các công ty khác về doanh thu ở mảng môi giới, có thể lướt qua báo cáo tài chính của những công ty lọt trong top 10 về thị phần môi giới năm 2021. Theo đó, doanh thu môi giới của SSI đạt 2.522 tỷ đồng, VND đạt 1.616 tỷ đồng, HSC 1.390 tỷ đồng, MBS 932 tỷ đồng và TCBS đạt 924 tỷ đồng...
Để có được thị phần kể trên, VPS đã chấp nhận chia sẻ lợi ích giữa công ty/cổ đông và nhân viên môi giới thông qua việc chấp nhận trả mức hoa hồng môi giới ở mức cao nhất trên thị trường hiện nay (80%). Vì thế, biên lợi nhuận mảng môi giới của VPS co lại chỉ còn 21%. Mức biên lợi nhuận này là thấp hơn đáng kể so với các công ty khác nằm trong top 10 thị phần.
Ngoài yếu tố kể trên, năm 2021 VPS cũng duy trì mức thưởng cuối năm cho CBNV ở mức rất hấp dẫn, tối thiểu lên tới 10 tháng lương. Các chế độ đãi ngộ khác như bảo hiểm y tế, phòng tập luyện để nâng cao thể lực như tập gym, yoga v.v… được quan tâm đặc biệt.
“Mặc dù việc duy trì những chính sách kể trên sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới lợi ích của cổ đông nhưng lãnh đạo VPS luôn muốn CBNV làm việc tại VPS phải rất thành công. Trước mắt là thành công với công việc và cùng với đó sẽ là thành công về thu nhập”, bà Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Nhân sự VPS chia sẻ và nhấn mạnh: “ Triết lý của VPS là chia sẻ lợi ích, dành những gì tốt đẹp cho nhân viên. Đây là những gì mà lãnh đạo công ty theo đuổi”.