VPBS: Tăng tốc bằng hai mũi nhọn

(ĐTCK) VPBS tiếp tục triển khai các chính sách để hướng khách hàng đầu tư vào các cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao.
VPBS: Tăng tốc bằng hai mũi nhọn

Trên nền tảng tài chính mạnh, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, cùng với việc coi trọng quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đang tập trung nguồn lực để tăng tốc bằng hai mũi nhọn là hệ thống công nghệ khác biệt, hiện đại và chất lượng dịch vụ vượt trội, nhằm tiến đến năm 2015 đưa VPBS trở thành một trong những CTCK hàng đầu, có thị phần lớn nhất trên TTCK Việt Nam.

VPBS là CTCK đầu tiên phối hợp với Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức chuỗi Hội thảo giới thiệu “Hệ thống giao dịch nâng cấp của HNX và nhận diện cơ hội đầu tư 2013”, tới công chúng đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt diễn ra vào ngày 9-10/4.

“Với hàng loạt tính năng ưu việt mới, được kỳ vọng góp phần tăng khả năng khớp lệnh và thanh khoản cho thị trường của hệ thống giao dịch nâng cấp phiên bản 5 của HNX, VPBS đã chủ động ngay từ đầu trong hoạch định chiến lược, cũng như triển khai các gói đầu tư cho hiện đại hóa hệ thống công nghệ, nhằm đón bắt sớm các tính năng ưu việt của Hệ thống giao dịch nâng cấp, qua đó giúp nhà đầu tư sớm được thụ hưởng các tiện ích giao dịch do hệ thống mới mang lại, VPBS là thành viên tích cực tham gia ngay từ đầu cùng với HNX chạy thử Hệ thống này...”, ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc VPBS, cho biết, đồng thời chia sẻ, cùng với việc HNX dự kiến vận hành Hệ thống giao dịch nâng cấp vào cuối quý II này, VPBS sẽ là một trong những thành viên đầu tiên triển khai có hiệu quả các giải pháp công nghệ mới, nhằm giúp khách hàng tận dụng tối đa những tiện ích mới của Hệ thống giao dịch nâng cấp mang lại, VPBS sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng cơ hội tốt hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.VPBS: Tăng tốc bằng hai mũi nhọn ảnh 1

Một chủ đề được giới đầu tư rất quan tâm tại Hội thảo là phần Nhận diện cơ hội đầu tư 2013, khách hàng của VPBS, cũng như công chúng đầu tư được ông Trương Đình Tuyển, Chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô. Theo đó, trong năm nay, tuy kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ quan trọng, nhưng không nên quá lo lắng vì tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Vấn đề quan trọng nhất là cần xử lý hợp lý hơn giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm trước, đồng thời tạo sinh khí mới cho nền kinh tế, cần kiểm soát lạm phát ở mức 8% thay vì 6-6,5% như kế hoạch. Khi tín hiệu chính sách đi theo hướng này, cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả, sẽ giúp nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng lành mạnh.

“Theo kịch bản tốt nhất, nhiều khả năng nền kinh tế sẽ phục hồi vào quý IV/2013. Điểm đáng chú ý là sự phục hồi sau giai đoạn trì trệ của nền kinh tế thường bắt đầu từ những ngành trọng điểm, đặc biệt là các DN đầu ngành. Tiếp đó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến các DN khác…”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Có một sự trùng hợp thú vị giữa nhận định của ông Tuyển với kết quả nghiên cứu của VPBS ngay từ đầu năm nay, đó là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp đầu ngành trên TTCK đã được VPBS nhận diện và thực tế đã được diễn biến thị trường kiểm chứng trong thời gian qua. Cụ thể, trong 50 mã cổ phiếu bluechips hàng đầu thị trường được VPBS lọc ra để định hướng khách hàng đầu tư từ đầu năm 2013, thì trong vòng 60 phiên giao dịch gần nhất (tính đến ngày 11/4), các cổ phiếu này đều có sự tăng trưởng mạnh về thị giá, cụ thể tỷ lệ tăng trưởng về thị giá của DRC tăng kỷ lục tới 53%, BMP tăng 51%, VNM tăng 45%... Đánh giá của VPBS cũng trùng với xu hướng vận động của thị trường thời gian qua, khi Vn-Index tiếp tục đà tăng, trong khi HNX-Index đang có gia tốc giảm giá nhỏ dần. Sự lệch pha này do sự tham gia của các quỹ đầu cơ chỉ số nước ngoài vào sàn HOSE, tập trung vào nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, điển hình là các cổ phiếu trong Vn30-Index. Điều này đã tác động tích cực đến xu hướng của Vn-Index trong thời gian qua.

Từ việc nhận diện sớm và đúng xu hướng bứt phá của các DN đầu ngành, VPBS đã có bước đi đột phá khi ngay đầu tháng 2/2013 đã triển khai sản phẩm “Ưu đãi lãi suất linh hoạt theo danh mục” áp dụng đối với các khoản cho vay margin. Theo đó, với 50 mã cổ phiếu bluechips hàng đầu, khách hàng được hưởng mức lãi suất hấp dẫn nhất là 13,8%/năm; 100 mã cổ phiếu tiếp theo có tính thanh khoản cao, mức lãi suất là 15,5%/năm, và 90 mã còn lại trong danh mục cho vay được áp dụng mức lãi suất 17,5%/năm. Sản phẩm này hỗ trợ khách hàng “lọc” được danh mục hàng hóa có chất lượng và tăng trưởng tốt (đã được kiểm chứng), không chỉ giảm thiểu rủi ro, mà quan trọng hơn sản phẩm này còn được cộng hưởng với chính sách ưu đãi phí giao dịch, với mức 0,15% mà VPBS đang áp dụng đến hết tháng 7/2013, đang hỗ trợ khách hàng tối đa hóa lợi nhuận khi nhận được sự hỗ trợ tài chính từ VPBS với mức lãi suất hấp dẫn hàng đầu thị trường. 

“Để triển khai sản phẩm Ưu đãi lãi suất linh hoạt theo danh mục, nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng, VPBS đã phải đầu tư lớn về thời gian, công sức, kể cả tài chính, bởi danh mục cổ phiếu của khách hàng rất đa dạng và thường xuyên biến động. Điều này đòi hỏi giải pháp công nghệ có tính đồng bộ cao, cũng như quy trình tác nghiệp phải được thiết kế hết sức tỉ mỉ và khoa học…”, ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, trong định hướng phục vụ khách hàng sắp tới, VPBS tiếp tục triển khai các chính sách để hướng khách hàng đầu tư vào các cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao, trước mắt là các cổ phiếu bluechips hàng đầu, nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn khó khăn, qua đó góp phần tác động tích cực vào xu hướng phục hồi lành mạnh, bền vững của TTCK.    

Hữu Hưng
Hữu Hưng

Tin cùng chuyên mục