VPBankS: Cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo mới nhất về ngành ngân hàng, CTCK VPBankS đánh giá trung lập với triển vọng 2024 của ngành, đồng thời đưa ra khuyến nghị một số mã trong dòng bank.
VPBankS: Cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn

Theo VPBankS, đến hết năm 2023, trung bình các ngân hàng niêm yết hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (ngoại trừ trường hợp lỗ lũy kế của NVB), trong đó chỉ có 10/27 ngân hàng hoàn thành 100% mục tiêu trở lên.

Năm 2024, VPBankS dự báo lợi lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng ở mức 15%, tương đương đạt 293.650 tỷ với giả định SBV không tăng lãi suất trong năm 2024 và các ngân hàng lớn trong danh sách theo dõi đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Về kế hoạch tăng trưởng tín dụng, trung bình các ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, trong đó có một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu của Chính phủ như ACB, LPB, TPB, VCB. Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có room lớn như HDB, MBB, VIB, VPB. Năm nay các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt đã có khả năng trả cổ tức và có kế hoạch trả cổ tức đều đặn hơn, ví dụ ACB, MBB, HDB, VIB, VPB.

Bên cạnh đó, với mặt bằng lãi suất thấp, VPBankS kỳ vọng NIM năm 2024 sẽ phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm và tăng trưởng hơn từ nửa cuối năm khi Fed dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, hạ áp lực cho gap lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam, tạo ra dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng ở Việt Nam có đất diễn hơn. Trong năm 2023, NIM toàn ngành ở mức 3,5%, thấp hơn 20 bps so với dự báo của công ty hồi đầu năm.

Về chất lượng tài sản, VPBankS lo ngại khó khăn cho nợ xấu khi tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong cả năm 2024 là hơn 222 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng cao nhất là ngành bất động sản chiếm gần 42% tổng giá trị trái phiếu, đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng nhưng tập trung và chia đều ở 3 quý cuối năm với giá trị cao nhất trong quý III đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng.

Về triển vọng ngành ngân hàng, VPBankS đánh giá là trung lập, với dự báo khó khăn còn tiếp diễn ở nửa đầu năm và hy vọng tia sáng vào nửa cuối năm. Kỳ vọng các ngân hàng cải thiện về NIM do mặt bằng lãi suất thấp làm giảm chi phí vốn và có động lực cho vay từ FDI (do việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản), xuất nhập khẩu (kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu của thế giới phục hồi), và nhu cầu vay trong nước phục hồi (chính sách giảm thuế VAT và các chính sách hỗ trợ thị trường khác).

Tuy nhiên, các rủi ro đối với ngành ngân hàng bao gồm việc thị trường bất động sản vẫn đóng băng, các sản phẩm đầu tư không hấp dẫn do các nhà đầu tư còn e ngại về các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn lớn.

Về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành đều chưa chạm tới mức trung bình từ 2013 nên ngành vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn. Trong ngắn hạn sẽ có những biến động, rung lắc nhất định, tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu phục hồi dần trong quý cuối năm và tăng trưởng 2024 mạnh hơn trên nền thấp của 2023 thì định giá 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn từ 8,6 đến 9,4 lần P/E (so với P/E trung bình 12 lần) và 1,3-1,6 lần P/B (so với P/B trung bình 1,8 lần). Theo đó, VPBankS khuyến nghị các cổ phiếu: BID, CTG, VCB, MBB, VIB, VPB.

Thuỷ Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục