Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index giữ mốc 1.250 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ và xác lập phiên giảm thứ 4 liên tiếp với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính ngăn VN-Index thủng mốc 1.250 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng giúp VN-Index giữ mốc 1.250 điểm

Mặc dù VN-Index vẫn bảo toàn được mốc 1.250 điểm, nhưng áp lực bán thường trực trên diện rộng khiến thị trường gặp khó khi tìm về mốc tham chiếu. Bảng điện tử luôn trong trạng thái tràn ngập sắc đỏ và chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng với mức giảm nhẹ chưa tới 3 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường khá nỗ lực để bật hồi và sau gần 30 phút mở cửa, chỉ số VN-Index đã le lói sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu bluechip khởi sắc hơn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, lực cầu tham gia khá yếu khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường chung khó tiến xa. VN-Index nỗ lực “cầm cự” sắc xanh nhạt trong gần một giờ giao dịch rồi quay đầu rung lắc và điều chỉnh giảm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.

Thị trường đã xác nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp và kết phiên đứng ở mốc 1.250 điểm với sắc đỏ áp đảo, gấp hơn 3 lần số mã tăng. Điều đáng nói chính là thanh khoản thị trường giảm mạnh về mức 20.000 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong khoảng 1,5 tháng qua, kể từ phiên 22/2 đạt gần 18.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 112 mã tăng và 355 mã giảm, VN-Index giảm 4,76 điểm (-0,38%), xuống 1.250,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 876 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.402,5 tỷ đồng, giảm khoảng 19% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 85,7 triệu đơn vị, giá trị 1.956,33 tỷ đồng.

Nhân tố chính giúp VN-Index giữ mốc 1.250 điểm chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh anh cả VCB lấy lại mốc tham chiếu, nhiều mã bank khác đã tìm lại sắc xanh, với BID kết phiên tăng 1,2%, có đóng góp lớn nhất hơn 0,85 điểm cho chỉ số chung.

Ngoài ra, TCB, MBB, LPB, CTG kết phiên cũng có mức tăng trên dưới 1%, cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là HDB khi đóng cửa tăng 2,36% lên mức 23.900 đồng/CP. Trong khi đó, STB giảm sâu nhất dòng bank khi để mất 2%, đóng cửa tại mức giá 29.000 đồng/Cp với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt hơn 26,85 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái với sự đóng góp tích cực của các cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã lớn khác lại đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ giảm, đã gia tăng sức ép lên thị trường, như VRE giảm 4,5% xuống mức giá thấp nhất trong ngày; MWG giảm 2%, GAS, SAB và VNM giảm gần 1,5%...

Còn về nhóm ngành, ngoài dòng bank, thị trường cũng chỉ đón thêm nhóm vật liệu xây dựng và tài chính khác tăng nhẹ, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, với nhóm bán lẻ, công nghệ và thông tin, dịch vụ lưu trú ăn uống giải trí, tiện ích, chế biến thủy sản, chứng khoán… đều giảm hơn 1%.

Ở nhóm chứng khoán, ngoài TVB có được sắc xanh từ phiên sáng, trong phiên chiều nhóm này đón thêm sự góp mặt của CTS khi kết phiên tăng gần 1,4%, cùng ORS và VCI cùng đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm.

Trong đó, VIX đóng cửa giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 18.950 đồng/CP, nhưng thanh khoản sôi động nhất nhóm với hơn 33,94 triệu đơn vị khớp lệnh; còn BSI giảm sâu nhất khi để mất 5,3% xuống mức 59.100 đồng/CP.

Một điểm tiêu cực khác của thị trường chính là số mã nằm sàn tăng mạnh, gấp 2 lần so với phiên sáng. Bên cạnh các mã sớm khoe sắc xanh mắt mèo từ phiên sáng như TV2, POM, PSH, QBS, DLG, trong phiên chiều có thêm sự tham gia của KPF, PGI, VTP, GIL, AGM…, cùng một số mã ngấp nghé giá sàn như TDW, EVF, SGR.

Trong bối cảnh thị trường chìm trong sắc đỏ thì HVN vẫn duy trì đà khởi sắc và tiếp tục xác lập đỉnh mới trong hơn 1 năm, với kỳ vọng kinh doanh phục hồi khi giá vé máy bay tăng vọt và thị trường đang bước vào mùa du lịch. Đóng cửa, HVN tăng 1,3% lên mức 16.200 đồng/CP, thanh khoản vẫn sôi động với hơn 3,83 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhận “tín hiệu” từ sàn HOSE, thị trường cũng le lói sắc xanh sau khoảng 30 phút mở cửa phiên chiều. Tuy nhiên, áp lực bán trên diện rộng khiến HNX-Index nhanh chóng quay đầu và lùi sâu về mức giá thấp nhất trong phiên khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HNX có 47 mã tăng và 121 mã giảm, HNX-Index giảm 1,6 điểm (-0,67%), xuống 238,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,48 triệu đơn vị, giá trị 1.676,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 30,2 triệu đơn vị, giá trị 588 tỷ đồng, chủ yếu là HUT thỏa thuận 8,4 triệu đơn vị, giá trị 154,32 tỷ đồng; IDC thỏa thuận 3,07 triệu đơn vị, giá trị 161,67 tỷ đồng; và SHS thỏa thuận 5,8 triệu đơn vị, giá trị 113,1 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là gánh nặng chính khi đóng cửa giảm tới hơn 6 điểm, với 24 mã giảm và chỉ còn 2 mã là PVG và LHC tăng với biên độ khiêm tốn chỉ trên dưới 1%. Trong số mã giảm, cổ phiếu LAS giảm sâu nhất khi đóng cửa mất 7,3%; tiếp theo là BVS giảm 5,7%, còn lại giảm trên dưới 2%.

Cặp đôi SHS và CEO vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, tương ứng đạt 15,24 triệu đơn vị và 10,75 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đều giảm hơn 1%, về vùng giá thấp trong phiên là 19.500 đồng/CP và 22.600 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí cũng không còn đi ngược xu hướng thị trường khi đồng loạt đều quay đầu điều chỉnh. Trong đó, PVS và PVC giảm nhẹ 0,5%, với thanh khoản tương ứng đạt 8,5 triệu đơn vị và hơn 4 triệu đơn vị; còn PVB giảm 1,5% xuống mức 25.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên chiều cũng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh giảm.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,3%), xuống 90,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,51 triệu đơn vị, giá trị 443,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,22 triệu đơn vị, giá trị 91,73 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giảm nhẹ 1% xuống mức 19.800 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu với gần 6,6 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công.

Trong khi đó, VAB tiếp tục ngược dòng, đóng cửa tăng 5% lên mức 8.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,86 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cặp đôi VGI và DDV bị xả bán mạnh, kết phiên tương ứng giảm 11,7% và 10,2%, xuống mức 48.500 đồng/CP và 14.100 đồng/CP, với thanh khoản chỉ thua BSR, lần lượt đạt 3,14 triệu đơn vị và 2,59 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp tương lai chỉ số VN30 đều biến động nhẹ với 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm. Trong đó, VN30F2404 tăng 2,1 điểm, tương đương +0,2% lên 1.254,2 điểm, khớp lệnh 214.820 đơn vị, khối lượng mở gần 51.440 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập, với CSTB2322 phiên này vẫn giao dịch sôi động nhất đạt 8,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 28,1% xuống 230 đồng/cq. Tiếp theo là CVPB2314 khớp 2,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,2% xuống 230 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục