VPBank và câu chuyện của TIMO

(ĐTCK) Nghiên cứu của NextTech Group cho biết, 70 - 80% dân số tại các quốc gia mới phát triển như Việt Nam đang nằm ngoài vùng phủ sóng của ngân hàng. Đây là cơ hội cho nhiều công ty Fintech lấp chỗ trống hoặc thay thế nhà băng phục vụ đối tượng này. Ngoài ra, mặc dù có nhiều ngân hàng bán lẻ, việc cộng tác với ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ cũng mở ra cơ hội lớn cho các công ty Fintech.
Dịch vụ ngân hàng số TIMO đã nhận được phản hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng người dùng trên 58% hàng tháng Dịch vụ ngân hàng số TIMO đã nhận được phản hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng người dùng trên 58% hàng tháng

Xu hướng vận hành

Số liệu thống kê của tổ chức MBI (Mekong Business Intitiative) tại Việt Nam đầu năm 2017 cho thấy, có khoảng 48 công ty Fintech đang hoạt động tại các mảng bao gồm: thanh toán (22 công ty); công nghệ blockchain (4); tài chính cá nhân (4); gọi vốn cộng đồng - crowdfunding (4); dịch vụ chuyển tiền (4); cho vay (3); quản lí dữ liệu (2); quản lí POS (3); các website so sánh thông tin (2).

Đáng chú ý, mảng thanh toán nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, khi mà hầu hết các ngân hàng đều bắt tay hợp tác với một hay nhiều công ty Fintech trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, 3 mảng: Kêu gọi vốn từ cộng đồng, tài chính cá nhân và cho vay vốn đều có các Fintech đạt được một số thành công nhất định tại thị trường Việt Nam.

Mảng thanh toán

Hiện tại, khoảng một nửa các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến, hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS.

Các công ty ví điện tử tại Việt Nam ra đời nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách thanh toán điện tử giữa người mua hàng và doanh nghiệp thương mại điện tử. Mảng thanh toán điện tử ngày càng trở nên sôi động dưới sự đầu tư của các công ty truyền thông lớn như Viettel-VTPay, VN-ZingPay, VTCPay, Moca, Payoo, VinaPay, MoMo… Ví điện tử đem đến cho người sử dụng sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chuyển và nhận tiền dễ dàng, đồng thời có thể truy vấn theo thời gian thực.

Tuy nhiên, hiện chưa nhiều người dùng chuộng sử dụng ví điện tử do chưa thật sự tin tưởng vào khả năng bảo mật thông tin. Do vậy, hình thức thanh toán COD (Cash On Delivery – thanh toán khi nhận hàng) vẫn đang là lựa chọn phổ biến của nhiều khách hàng nhờ tính chất “tiền trao cháo múc” điển hình của loại hình này.

Kêu gọi vốn từ cộng đồng

Kêu gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding) là một hình thức Fintech được xây dựng với mục đích giúp những người có ý tưởng nhưng không đủ khả năng tài chính có thể trình bày về dự án của mình nhằm thu hút và kêu gọi vốn đóng góp từ cộng đồng để biến ý tưởng thành sự thật. Một số công ty gọi vốn đang hoạt động ở Việt nam là FundStart, Comicola, Betado, FirstStep.

Tài chính cá nhân

Một số công nghệ quản lý tài chính cá nhân ở Việt nam là BankGo, Moneylover, Mobivi và Timo. Trong đó, ngân hàng số Timo là một ví dụ thành công của loại hình ứng dụng này. Mới ra mắt vào giữa năm 2016, sau 6 tháng, ngân hàng Timo đã thu hút 10.000 lượt tải về từ các kho ứng dụng Android, Apple và Windows.

Do còn mới mẻ đối với thị trường Việt Nam hiện nay, để sử dụng Fintech nói chung và Timo nói riêng, người tiêu dùng cần được làm quen dần với những ứng dụng di động thông minh được xây dựng nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống trên nền tảng công nghệ.

VPBank và câu chuyện của TIMO ảnh 1

Mô hình Timo Hangout - nơi kết hợp giữa quán cà phê và phòng giao dịch 

Cho vay vốn

Một trong những xu hướng lớn nhất của Fintech là đưa những trải nghiệm truyền thống từ môi trường ngoại tuyến (offline) sang trực tuyến (online). Các cá nhân, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay vốn làm ăn từ trước tới nay đều phải tới làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại, chịu các quy trình phức tạp và thời gian chờ giải ngân dài.

Nhận thức được các bất cập của hình thức xin vay vốn truyền thống, một số Fintech tại Việt Nam được ra đời nhằm đơn giản hóa quy trình vay vốn của khách hàng, trong đó có những cái tên nổi tiếng như LoanVi, Trust Circle.

Câu chuyện của TIMO

Sự phát triển mạnh mẽ và đồng loạt của internet, công nghệ di động, mạng xã hội, điện toán đám mây đã cho phép công ty Fintech thay đổi các phương thức giao dịch truyền thống và thậm chí, gây xáo trộn đối với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống.

Trong bối cảnh này, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần nắm được cơ hội, có những bước đầu tư hợp lý vào làn sóng Fintech và nhanh chóng tiếp thu, áp dụng công nghệ mới, qua đó giúp phát triển thị phần khách hàng, tránh được các rủi ro xáo trộn gây ra bởi nhà cung cấp dịch vụ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng gắn liền với kỷ nguyên số hóa.

Một trường hợp điển hình là VPBank với chiến lược tập trung đẩy mạnh mảng dịch vụ ngân hàng công nghệ số hiện đại, tích cực xúc tiến hợp tác với các đối tác Fintech lớn và có uy tín tại Việt Nam. Trong đó có các đơn vị như: VNPAY (Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam); NAPAS (Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia); PAYOO (Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến cộng đồng Việt - VietUnion); BANKPLUS - ứng dụng điện tử cho giải pháp thanh toán và giao dịch ngân hàng trực tuyến của VIETTEL; MOMO - ví điện tử, sản phẩm của Công ty cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến - M SERVICE; MOCA - ứng dụng thanh toán trên trên điện thoại di động thông minh, khai thác nhóm khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế từ các ngân hàng hợp tác.

 Mô hình Timo Hangout - nơi kết hợp giữa quán cà phê và phòng giao dịch

Ngoài ra, Fintech như OnePay; 123Pay; FPT cũng đã và đang có những hợp tác với VPBank trong mối quan hệ cùng hướng tới phát triển tập khách hàng hiện hữu và gia tăng số lượng và giá trị giao dịch trên các kênh trực tuyến, đơn giản hóa quá trình thanh toán, đẩy mạnh tăng trưởng các giao dịch trên kênh thương mại điện tử, thay thế dần cho phương thức thanh toán và hình thức giao dịch thương mại truyền thống đã tồn tại lâu năm tại Việt Nam.

Trong năm 2016 và 2017, sự hợp của các đối tác Fintech với VPBank đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển khách hàng mới và tăng trưởng giá trị cũng như số lượng giao dịch trên các kênh số hóa của VPBank.

Cụ thể, trên 30.000 khách hàng mới là kết quả hợp tác tích cực giữa VPBank và 2 Fintech MOMO và MOCA trong năm 2016; trên 5 triệu giao dịch thanh toán hóa đơn dịch vụ, nạp tiền điện tử và thanh toán thương mại điện tử là con số VPBank ghi nhận được khi tiến hành hợp tác với các Fintech như VNPAY, PAYOO, NAPAS và một số Fintech khác, giá trị giao dịch thanh toán lên tới hàng ngàn tỷ đồng (con số trung bình trong năm 2016 và tính đến hết thời điểm quý I/2017).

Bên cạnh đó, tại thị trường ngân hàng Việt Nam, một kênh bán mới của VPBank có tên là TIMO đã cho phép khách hàng chỉ bằng một cú click để đăng ký mở tài khoản và giao dịch trực tuyến trên nền tảng hệ thống ngân hàng cốt lõi, là một trong các bước đi chủ động gắn liền với làn sóng Fintech. TIMO có đối tượng khách hàng là giới trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ và muốn có các trải nghiệm ngân hàng nhanh chóng, thuận lợi, giảm thiểu về thủ tục giấy tờ và hiệu quả.

TIMO tại thị trường Việt Nam là minh chứng việc làn sóng Fintech đã mở ra các cơ hội kinh doanh mới, cho phép các ngân hàng tiếp cận người dùng dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Sau khi ra mắt vào tháng 5/2016, dịch vụ ngân hàng số TIMO đã nhận được phản hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng người dùng trên 58% hàng tháng.

Việc tối giản các thủ tục, giao dịch bằng ứng dụng và website giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dùng chính là ưu thế nổi bật của TIMO: Không chi nhánh giao dịch, giấy tờ phước tạp, mô hình Timo Hangout - nơi kết hợp giữa quán cà phê và phòng giao dịch, được thiết kế rất độc đáo và hiện đại, khách hàng có thể đến để trải nghiệm dịch vụ, đồng thời uống cafe trò chuyện với bạn bè. Ngoài ra, thành viên còn được miễn phí sử dụng không gian cùng làm việc (co-working), phòng họp, tổ chức sự kiện với đầy đủ tiện nghi tại Timo Hangout.

Bằng nhận diện thương hiệu độc đáo, các chiến dịch marketing tiếp cận khách hàng hiệu quả và các lợi ích thiết thực của sản phẩm, dịch vụ như Spend, Goal Save…, trong tương lai, khách hàng của TIMO sẽ không chỉ nhớ đến thương hiệu này bởi các tiện ích của sản phẩm mà còn bởi các trải nghiệm về sản phẩm và dịch vụ chuyên nghiệp, sâu sắc.

Bên cạnh các dự án đang triển khai, VPBank đã xây dựng và tiến hành đề án VPBank Innovation Centre nhằm mục tiêu tiên phong hỗ trợ các start up trong lĩnh vực Fintech và công nghiệp sáng tạo cũng như phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.                

Trần Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục