MB sẵn sàng cho “Ngôi nhà số”

(ĐTCK) Với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Viettel là đối tác chiến lược, cũng là một Fintech lớn. MB sẽ phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên việc hợp tác với các đối tác chiến lược như Viettel, hoặc doanh nghiệp Fintech để bước vào kỷ nguyên ngân hàng số. Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB đã có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB. Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB.

Theo tính toán của Ernst & Young, đến năm 2020, các công ty Fintech có thể lấy đến 30% tổng doanh số của các ngân hàng hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức khi làn sóng Fintech nổi lên tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam?

Làn sóng Fintech có thể lấy đi 30% tổng doanh số của các ngân hàng, nhưng tôi cho rằng, sẽ tạo ra nhiều hơn 30% doanh số đến từ các khách hàng mới cho nhà băng.

Các số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 30% dân số ở độ tuổi trưởng thành, như vậy chúng ta còn cơ sở khách hàng lên tới 70% dân số ở độ tuổi trưởng thành cần được phục vụ.

Sự sáng tạo, nhạy bén của Fintech cho phép ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp cận với số đông còn lại đó. Ngoài ra, các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ đa dạng, linh hoạt và mang đến trải nghiệm tốt hơn khi có sự kết hợp giữa các nhà băng và Fintech.

 MB sẽ phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên việc hợp tác với các đối tác chiến lược như Viettel, hoặc doanh nghiệp Fintech.

Chúng tôi cho rằng, làn sóng này mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Thách thức lớn nhất với ngân hàng là cởi mở hơn trong việc hợp tác với Fintech, cũng như việc nhìn nhận, đón nhận thực tiễn sinh động chưa được cụ thể hóa bởi hệ thống văn bản pháp quy hiện hành.

Trên thế giới, các ứng dụng Fintech khá đa dạng, tác động đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng. Tại Việt Nam, tác động của Fintech hiện tập trung vào những lĩnh vực nào và xu hướng ra sao, theo ông?

Việt Nam hiện nay vẫn là một quốc gia cần ưu tiên phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và theo lộ trình đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán giảm xuống dưới 10%.

Điều đó cho thấy, mảng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử còn rất nhiều đất diễn cho các đơn vị Fintech.

Trên thực tế, tại Việt Nam, Fintech đang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trung gian thanh toán như cổng thanh toán, ví điện tử, các dịch vụ hỗ trợ thu chi hộ và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ chuyển tiền điện tử.

Phải chăng, Fintech là lý do cơ bản khiến MB xác định ngân hàng số là một trong ba trụ cột trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2017 - 2021 của Ngân hàng?

Trong kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại mà các ứng dụng công nghệ đang thay đổi mọi mặt của cuộc sống, các ngân hàng thương mại, định chế tài chính, trong đó có MB, phải có sự chuyển mình để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng.

MB là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh. Giai đoạn 2011 - 2016, chúng tôi đã hoàn thành tin học hóa các quy trình kinh doanh cốt lõi. Trong đó, giải pháp ngân hàng giao dịch và quản lý quy trình nghiệp vụ là hai dự án nền tảng giúp MB phát triển mạnh mẽ các dịch vụ ngân hàng số, với những sản phẩm, dịch vụ thông minh theo chuẩn mực quốc tế.

Hiện tại, khách hàng của MB có thể tương tác với Ngân hàng bằng nhiều cách, tại quầy giao dịch hoặc qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, với tất cả các nhu cầu dịch vụ tài chính, ngân hàng từ đơn giản như quản lý tài khoản, nhận - chuyển tiền, cho tới phức tạp như yêu cầu khoản vay, phát hành thư tín dụng, bảo lãnh.

Giai đoạn 2017 - 2021, bên cạnh trụ cột ngân hàng cộng đồng, ngân hàng chuyên nghiệp theo ngành, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhằm ra mắt các sản phẩm số sáng tạo, cải tiến cách thức tương tác giữa khách hàng với ngân hàng, điều chỉnh mô hình bán hàng phù hợp với lộ trình triển khai các sản phẩm số trên các kênh số đã được đa dạng hóa.

Đồng thời, số hóa các sản phẩm tài chính, ngân hàng truyền thống, số hóa các quy trình quản lý và vận hành hoạt động kinh doanh, hướng tới mô hình vận hành hiệu quả bằng việc tự động hóa trên nền tảng công nghệ số.

Có cổ đông chiến lược là Tập đoàn Viettel, MB phát triển mô hình ngân hàng số tự thân, hay tính tới việc hợp tác với công ty Fintech?

Với chúng tôi, Viettel là đối tác chiến lược, cũng là một Fintech lớn. MB sẽ phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên việc hợp tác với các đối tác chiến lược như Viettel, hoặc doanh nghiệp Fintech và Techfin - doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, MB sẽ tận dụng tối đa thế mạnh của mình và đối tác chiến lược để phổ cập dịch vụ ngân hàng tới mọi đối tượng khách hàng trên kênh số, với chi phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ hợp lý nhất.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng, ông có thể chia sẻ ước tính kết quả hoạt động của MB trong 9 tháng đầu năm và cả năm 2017?

Tính đến cuối quý III/2017, tổng tài sản MB đạt 285.772 tỷ đồng, huy động vốn 211.732 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 3.902 tỷ đồng.

Năm 2017, MB dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tổng tài sản 274.500 tỷ đồng, huy động vốn tối thiểu 211.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.300 tỷ đồng (vượt trên 5% kế hoạch).

Tín dụng tăng cao, liệu nợ xấu có tăng, thưa ông?

Hội đồng quản trị MB đã xác định rõ, hoạt động quản trị rủi ro không chỉ hướng tới tuân thủ chuẩn mực quốc tế Basel II, mà còn đảm bảo vị thế vượt trội trên thị trường. Hội đồng quản trị định hướng xây dựng và vận hành mô hình 3 vòng bảo vệ tại MB và hướng đến áp dụng tại các công ty thành viên, củng cố những rào chắn để phòng ngừa, nhận diện và giảm thiểu rủi ro trong các mặt hoạt động.

Việc triển khai Basel II áp dụng theo lộ trình cụ thể được chi tiết hóa trong kế hoạch hoạt động hàng quý của Hội đồng quản trị và các dự án/đề án đang triển khai như dự án mô hình đo lường rủi ro tín dụng, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ…

Với thế mạnh về quản trị, MB không chỉ duy trì nằm trong nhóm đầu về hiệu quả hoạt động, với các chỉ tiêu như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE ), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), mà còn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp. Tỷ lệ nợ xấu năm 2016 là 1,3%, 6 tháng đầu năm 2017 là 1,28%, 6 tháng cuối năm sẽ kiểm soát chặt chẽ quanh mức này, dưới 1,35%.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục