VPB – Cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị thực?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã có những điều chỉnh vào quý III/2021 do sự bùng phát của Covid-19, trong đó đáng chú ý là sự điều chỉnh của dòng bank đã đưa định giá của nhóm này về mức đáng quan tâm hơn so với định giá vào quý II/2021.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Với những ước tính dựa trên các thông tin đã được công bố rộng rãi cùng những thống kê tăng trưởng minh bạch trong quá khứ, có cơ sở cho thấy tiềm năng tăng giá của một số mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng vẫn còn rất lớn. Trong đó, VPB là một trong những mã còn nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tổng tài sản tăng trưởng ấn tượng thuộc top đầu

Một trong những chỉ tiêu cho thấy giá trị của ngân hàng đang gia tăng đến từ sự tăng trưởng tổng tài sản, theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS, thể hiện ngân hàng có nhiều nguồn lực hơn, cho vay nhiều hơn, là nền tảng cho sự tăng trưởng thu nhập. Ngân hàng càng gia tăng nhanh chóng và bền vững tổng tài sản thì thu nhập và giá trị tạo ra càng nhanh và càng lớn.

Quy mô tổng tài sản VPBank tại thời điểm cuối năm 2020 so với đầu năm 2011 là trên 7 lần với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 21%, trong khi đó ngành có tốc độ tăng trưởng kép chỉ xấp xỉ 17%.

Được biết, giai đoạn 10 năm 2011 - 2020 đã mang đến sự phát triển đột phá mạnh mẽ, dù nếu xét trong giai đoạn từ 2011 đến 2013 thì sự chênh lệch giữa VPBank và trung bình ngành có thể không quá lớn nhưng kể từ 2014 đến 2020 ngân hàng đã khẳng định về tầm nhìn và chiến lược dài hạn của mình khi có sự bứt phá vượt trội; sự tăng trưởng nổi bật trong giai đoạn này được đánh dấu bởi 2 cột mốc quan trọng là năm 2014 và năm 2017.

Cụ thể, từ năm 2010 VPBank đã vạch ra chiến lược phát triển và thống lĩnh về mảng tài chính tiêu dùng khi nhận ra tiềm năng phát triển và sau đó vào năm 2014 tiến hành mua lại công ty tài chính Vinacomin, đổi tên thành Công ty Tài chính VPBank hay được biết với tên FE Credit; đây cũng là năm mà VPBank đạt mức tăng trưởng tổng tài sản trên 34% so với cùng kỳ.

Cột mốc thứ 2 đánh dấu sự phát triển vượt trội tổng tài sản của VPBank là năm 2017 khi VPBank được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa tổng tài sản của VPBank đạt mức tăng trưởng trên 21% so với cùng kỳ.

Dẫn đầu về tăng trưởng vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nói chung và với riêng ngân hàng vì đó là cơ sở cho rất nhiều hạn mức hoạt động, bao gồm cả hạn mức tín dụng - một trong những chỉ tiêu quyết định giá trị ngân hàng sẽ tạo ra trong thời gian tới.

Ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành, việc sở hữu một nguồn vốn dồi dào cũng là điểm tựa vững chắc cho các chiến lược phát triển lâu dài của ngân hàng. Với tầm nhìn trở thành một trong top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam, VPBank đã và đang quyết liệt thực hiện chiến lược phát triển nguồn vốn chủ sở hữu của mình bằng những mục tiêu rất cụ thể.

Trong giai đoạn 10 năm từ 2011 - 2020 thì vốn chủ sở hữu VPBank đạt mức tăng trưởng kép hơn 26%, tại thời điểm cuối năm 2020 vốn chủ sở hữu cao hơn 10 lần so với đầu năm 2011.

So sánh với top 13 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán (chiếm 86% vốn hóa toàn ngành), VPBank đang có tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu nhanh nhất; điều này cho thấy chiến lược kinh doanh của ngân hàng đã và đang phát huy được hiệu quả vượt trội.

Với nền tảng khác biệt phục vụ mọi phân khúc khách hàng với sản phẩm đa dạng cùng mô hình kinh doanh hiệu quả tập trung vào các phân khúc bán lẻ nhiều tiềm năng, VPBank đã chiếm lĩnh vị thế độc tôn trong phân khúc này với tỷ suất sinh lợi vượt trội giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

VPB - cổ phiếu giá trị với định giá hấp dẫn

Theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS, một trong những chỉ số được sử dụng phổ biến trong việc xác định giá trị hợp lý của ngân hàng là P/B (price to book ratio) - giá cổ phiếu/giá trị sổ sách, phản ánh thị giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách của ngân hàng. Cụ thể, để xác định tương quan định giá của một ngân hàng so với ngành có thể so sánh mức P/B của cổ phiếu ngân hàng với mức P/B trung bình ngành.

Thống kê tại thời điểm cuối quý II/2021, vốn chủ sở hữu của VPB đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng; theo công bố, VPB đã ký kết thoả thuận bán 49% vốn điều lệ của FECredit cho đối tác SMFG (Nhật Bản) với số tiền dự kiến thu về đạt gần 1,4 tỷ USD.

Ngoài ra, trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư diễn ra vào ngày 12/8/2021, ban lãnh đạo VPBank cũng đã nêu rõ kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, trong đó ngân hàng sẽ phát hành thêm 15% vốn cho cổ đông chiến lược.

Với giả định vốn chủ sở hữu của VPBank năm 2022 đạt mức 120 nghìn tỷ đồng, theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS, dựa theo mức P/B hiện tại của ngành là 2.2 thì giá trị hợp lý ngân hàng VPBank sau khi điều chỉnh lợi ích cổ đông thiểu số sẽ đạt khoảng 246 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 10,7 tỷ USD); khi đó giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) của VPB tương ứng số lượng cổ phiếu đang lưu hành điều chỉnh cho phát hành thêm sẽ đạt 86.800 đồng/CP, tương đương tiềm năng tăng giá xấp xỉ 50%.

Như thế, theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS, với những số liệu vượt trội toàn ngành về tốc độ tăng trưởng tổng tài sản cũng như vốn chủ sở hữu cùng những phân tích đánh giá về cách xác định giá trị cổ phiếu VPB dựa trên những thông tin được công bố rộng rãi, dễ dàng kiểm chứng, có thể thấy rằng cổ phiếu VPB là cổ phiếu có định giá rất hấp dẫn khi tiềm năng tăng giá của cổ phiếu này có thể lên đến 50%.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục