Đầu tuần qua, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) có công văn chấp thuận cho chuyển đổi FE Credit từ loại hình công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần.
Thông tin này đã phần nào xác nhận kế hoạch VPB niêm yết FE Credit trong thời gian tới thực sự đang được khởi động.
Mảng vay tiêu dùng luôn đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của VPB, chiếm tỷ trọng 52,13% lợi nhuận sau thuế năm 2017, năm 2018 là 45,09% và năm 2019 là 43,43%.
Cuối năm 2019, danh mục cho vay của FE Credit gồm 76% cho vay tiền mặt, 11% cho vay thẻ tín dụng, 8% cho vay mua xe và 5% cho vay mua hàng điện tử điện máy.
Tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt với khoản vay trên 20 triệu là 59%, thấp hơn ngưỡng cho phép hiện tại là 70%. Theo thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực ngày 1/1/2020, tỷ lệ giải ngân tiền mặt của công ty tài chính sẽ giảm theo lộ trình.
Cụ thể, từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 là 70%; Từ 1/1/2022 đến 31/12/2022 là 60%; Từ 1/1/2023 đến hết 31/12/2023 là 50% và từ 1/1/2024 trở đi tỷ lệ này giảm còn 30%. Quy định này là áp lực thay đổi hình thức giải ngân của FE Credit.
Theo số liệu thị phần mới nhất được công bố do SSI Research thống kê, tới quý II/2019, thị phần của FE Credit là 55% chiếm vị trí số 1, HDSaison (HDBank) là 17%, Mcredit (MBB) là 7% và các đơn vị khác chiếm thị phần còn lại.
Với vị thế thị phần và tiềm năng của thị trường vay tài chính cá nhân dự trên cơ cấu dân số vàng của Việt Nam, kỳ vọng FE Credit thu hút được nguồn vốn nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Vì thế khi niêm yết và thoái vốn FE Credit, VPB có thể ghi nhận được lợi nhuận tài chính. Giá trị tài sản thương hiệu của VPB cũng sẽ được định giá lại.
Điều tương tự cũng đã xảy ra trước đây khi Tập toàn Vingroup (VIC) lần lượt đưa cổ phần của Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) niêm yết tháng 11/2017, cổ phiếu VIC tăng từ vùng 32.000 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP, tức tăng 87,5%. Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) tháng 5/2018 thì giá cổ phiếu VIC đều bật tăng mạnh, từ vùng tích luỹ 68.000 đồng/CP lên 103.000 đồng/CP, tăng 51,5%.
Giới đầu tư hứng thú với chiến lược các tập đoàn đưa công ty con lên sàn. Quỹ đầu tư Composite Capital Master Fund LP vừa thông báo đã mua thêm 7,3 triệu cổ phiếu VPB vào ngày 18/2/2020, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,85% thành 5,15%, tương ứng 125,44 triệu CP và chính thức trở thành cổ đông lớn của VPB. Hành động này phải chăng cũng nằm xu thế đón đầu chiến lược niêm yết FE Credit.
Có thể thấy cổ phiếu VPB ngắn hạn đang có câu chuyện hỗ trợ đà tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý mảng cho vay tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng ngắn hạn do tác động của dịch Covid 19, nhu cầu du lịch mua sắm giảm mạnh. Nhưng nhìn dài hơn thì vay tiêu dùng là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường có dân số trẻ như Việt Nam.