Vòng 2 bầu Tổng giám đốc UNESCO: Vẫn cam go như 'trận chiến'

Cuộc bỏ phiếu vòng 2 bầu tân Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã diễn ra hôm qua 10/10, song vẫn chưa có ứng viên nào đạt đủ số phiếu quá bán để giành chiến thắng.
Quang cảnh một phiên họp của UNESCO (Ảnh: Tân Hoa Xã). Quang cảnh một phiên họp của UNESCO (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Sáng 10/10, Hội đồng Chấp hành gồm 58 nước thành viên có quyền bỏ phiếu đã thảo luận về chương trình nghị sự trước khi buổi bỏ phiếu kín bắt đầu lúc 17h, theo giờ Paris. 

Đáng chú ý, Azerbaijan đã quyết định rút lui ngay trước giờ bỏ phiếu vòng 2. Như vậy, trong cuộc bỏ phiếu này, danh sách ứng viên chỉ còn 6 người, thay vì 7 người như vòng 1. 

Kết quả vòng 2 cuộc bỏ phiếu ứng cử viên Qatar, ông Hammad bin Al-Kawari tiếp tục giành vị trí đứng đầu với 20 phiếu, theo sau là các ứng cử viên Audrey Azoulay của Pháp với 13 phiếu và Moushira Khattab của Ai Cập với 12 phiếu. Thứ tự này không thay đổi so với vòng bỏ phiếu đầu tiên. 

Trong vòng bỏ phiếu thứ 2 này, ứng cử viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam giành thêm được 3 phiếu, đưa tổng số phiếu của mình lên 5 phiếu, ngang bằng với số phiếu của ứng cử viên người Trung Quốc, trong khi ứng cử viên Vera El Khoury của Lebanon chỉ đạt được 3 phiếu.

Như vậy, cũng như vòng 1, không có ứng cử viên nào đạt được đa số quá bán (30/58 phiếu) trong vòng 2 và Hội đồng Chấp hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 3 vào cuối buổi họp chiều 11/10. 

Nếu cuộc bỏ phiếu vòng 3 vẫn chưa thể tìm ra người chiến thắng thì Hội đồng Chấp hành sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 4 trong ngày tiếp theo.

Trong trường hợp vòng 4 kết thúc mà không có ai đạt quá bán, 2 ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ được chọn để tham dự vòng 5, ngày 13/10.
Người nhận nhiều phiếu hơn tại vòng này sẽ chiến thắng và được chính thức thông qua tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 11.

Nhiều tờ báo phương Tây đã đánh giá cuộc bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 thực sự là một "trận chiến khốc liệt".
Trong lịch sử bầu cử Tổng giám đốc UNESCO, đây là lần đầu tiên Hội đồng Chấp hành đồng ý công khai kết quả của từng vòng bỏ phiếu. Điều này càng làm tăng thêm tính cạnh tranh cùng những lời "đồn thổi" xung quanh từng ứng cử viên. 

Dư luận hiện nay đang tập trung vào các ứng cử viên Arab, khu vực chưa từng có người nào trúng cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của tổ chức UNESCO.  

Tổng giám đốc UNESCO là người đứng đầu Ban thư ký, điều hành bộ máy hành chính khoảng 2.000 nhân viên tại trụ sở của UNESCO tại Paris, Pháp, cùng các văn phòng trực thuộc trên thế giới.

Tổng giám đốc chịu trách nhiệm xây dựng và đệ trình các cơ quan điều hành về chương trình nghị sự, phương hướng, ngân sách, bổ nhiệm và tuyển dụng nhân sự cấp cao của UNESCO. Tổng giám đốc có nhiệm kỳ 4 năm và có thể tái cử lần 2.

Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục