Người được chọn sẽ thay thế Tổng giám đốc đương nhiệm Irina Bokova người Bulgaria, khi bà Bokova từ chức vào năm nay sau 2 nhiệm kỳ.
Tổng giám đốc Unesco là người quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng và trung tâm thuộc UNESCO. Cuộc bỏ phiếu kín bầu tân Tổng giám đốc UNESCO sẽ diễn ra tháng 11/2017.
Trong số các ứng cử viên có 6 nữ và 3 nam, đến từ 4 châu lục và 5 nhóm bầu cử, bao gồm: Hamad Hamad bin Abdulaziz al-Kawari người Qatar; Saleh al-Hasnawi người Iraq; bà Vera el-Khoury Lacoeuilhe người Lebanon; bà Moushira Khattab người Ai Cập; ông Juan Alfonso Fuentes Soria người Guatemala; ông Polad Bulbuloglu người Arzerbaijan; ông Qian Tang người Trung Quốc; Bộ trưởng Văn hóa Pháp Audrey Azoulay, và Đại sứ Phạm Sanh Châu.
Trang thông tin của Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết: Ông Phạm Sanh Châu 55 tuổi, hiện là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao Việt Nam ra ứng cử làm người đứng đầu một cơ quan quan trọng thuộc Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ 2011 đến 2014.
Trước đó, ông nhiều năm gắn bó với các hoạt động văn hoá, di sản và UNESCO. Năm 1999-2003, ông Phạm Sanh Châu là Đại sứ -Trưởng phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO. Trong giai đoạn 2006-2010, ông là vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Ông trực tiếp tham gia vận động để nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được công nhận là di sản thế giới và đưa nhiều ý tưởng của UNESCO vào Việt Nam.
Ông đã được nhận các huân chương cao quý của Pháp, Bỉ vì thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước này. Ông thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và từng là phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao Việt Nam.