Vốn vào bất động sản, ‘bóng trong chân’ chủ đầu tư

(ĐTCK) Không chỉ có các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều ngân hàng thương mại cũng chủ động tham gia hỗ trợ vốn cho bất động sản bằng cách xây dựng các sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà. Có thể nói, chưa bao giờ, tín dụng bất động sản lại được triển khai nhiều như hiện nay, nhưng cũng không dễ để các chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn này.
 
Thời gian gần đây, nhiều nhà băng công bố triển khai gói tín dụng bất động sản
Thời gian gần đây, nhiều nhà băng công bố triển khai gói tín dụng bất động sản

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế, Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó, đáng chú ý là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm. Tuy nhiên, do còn hạn chế, vướng mắc, nên gói tín dụng này được nhiều người đánh giá là thất bại.

Trước việc “tắc dòng chảy” tín dụng bất động sản, một số ngân hàng thương mại đã triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà: chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng và tổ chức tín dụng để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực này.

Với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy, để thúc đẩy việc triển khai rộng rãi sản phẩm liên kết 4 nhà, cần có sự hợp tác giữa các ngân hàng cùng tham gia tài trợ một chuỗi liên kết. Vì vậy, giữa tháng 6 vừa qua, NHNN đã giao BIDV cùng 7 ngân hàng là Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng (VNCB), SHB, LienVietPostBank và MHB triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc MHB chia sẻ, việc hợp tác triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà có ý nghĩa lớn đối với việc khai thông nguồn vốn cho các dự án nhà ở, các dự án về cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải. Sản phẩm này tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang có khó khăn tạm thời, chưa thanh toán nợ cũ vẫn có thể vay được vốn cho các dự án đầu tư xây dựng tham gia chuỗi liên kết này tiếp tục triển khai, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, hàng tồn kho vật liệu xây dựng... Ngoài ra, nó cũng góp phần kiểm soát dòng tiền, nâng cao chất lượng tín dụng, khôi phục, củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết.  

Còn ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho biết, hiện BIDV đã xây dựng và hoàn thiện quy định, quy trình nội bộ, đảm bảo việc phối hợp triển khai giữa các chi nhánh BIDV và giữa BIDV với các ngân hàng bạn.

“BIDV sẵn sàng đồng hành cùng các ngân hàng, chủ động lựa chọn các công trình, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, bất động sản để kết nối triển khai”, ông Tú nói.

Việc ngân hàng chủ động tung các gói tín dụng cho bất động sản cũng là điều dễ hiểu, bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) chia sẻ, từ cuối năm 2011, đặc biệt là trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm và ổn định ở mức khá thấp. Tính đến ngày 23/5/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013; thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt. Cũng tính đến cuối tháng 5/2014, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,31% so với cuối năm 2013, trong đó, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản là 7,2%.

Trong khi đó, theo Báo cáo “Kinh tế vĩ mô 2014, cải cách thể chế kinh tế: chìa khóa cho tái cơ cấu” vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố, thanh khoản dồi dào, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp, khiến dòng tiền bị kẹt lại trong hệ thống và đang được các ngân hàng sử dụng để mua các tài sản an toàn khác như trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN, dù mức lãi suất khá thấp...

Tuy nhiên, có thể thấy, dù đã có nhiều gói vốn cam kết, nhiều lời hứa đồng hành với chủ đầu tư và khách hàng mua nhà, nhưng dòng vốn chảy vào bất động sản vẫn khá nhỏ giọt.  Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, dù muốn bơm vốn, nhưng có không ít lý do khiến các tổ chức tín dụng vẫn e ngại cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Bởi vậy, nếu các chủ đầu tư muốn gõ cửa ngân hàng, thì trước hết cần tự làm “sạch” mình, không đầu tư dàn trải, chỉ nên tập trung vào những dự án dở dang, có tiềm năng để tự cứu mình.

“Các ngân hàng trong đó có MHB đang thực hiện nhiều biện pháp để tiếp cận, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của khách hàng, trong đó có nhu cầu vốn đầu tư vào các dự án. Tuy nhiên, để ngân hàng đầu tư vào dự án, trước hết phải phụ thuộc vào năng lực thực tế hiện tại của chủ đầu tư và giá trị thực của từng dự án. Sản phẩm của dự án đó phải đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Tâm nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục