Chủ đầu tư “bớt xén” quỹ nhà ở xã hội

Có rất ít chủ đầu tư tuân thủ quy định về việc các dự án phải dành 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền với giá trị tương đương.
Chủ đầu tư “bớt xén” quỹ nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP. Hà Nội vừa có báo cáo sơ bộ gửi Bộ Xây dựng kết quả kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 26/2010/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội đối với 12 dự án khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội theo yêu cầu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số 12 dự án nhà ở, khu đô thị mới của Hà Nội, có một dự án hoàn toàn không dành một chút quỹ đất nào để làm nhà ở xã hội theo quy định. Trong 11 dự án có dành quỹ đất, chỉ có 3 dự án triển khai xây nhà ở xã hội, 3 dự án chuyển đổi sang xây dựng nhà tái định cư, còn lại cho chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, trong số 11 lô đất dành làm nhà xã hội trong các dự án, với diện tích khoảng 8,6 ha, mới có 4 lô có mặt bằng, với diện tích 5,6 ha; còn 7 lô, diện tích 3 ha chưa được giải phóng mặt bằng. Thực tế tại phần lớn dự án, chủ đầu tư ít quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, thậm chí có một dự án không có quỹ đất 20%.

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư tại một trong các dự án trong danh sách kiểm tra là Khu đô thị Thành phố Giao Lưu (Cầu Diễn, Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) do Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vigeba làm chủ đầu tư cho thấy, việc sử dụng đất của chủ đầu tư khá tùy tiện.

Tại khu đô thị có diện tích trên 95,3 ha này, nhiều khu đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh, nhưng hiện tại để hoang hoá. Trong khuôn viên dự án, hoàn toàn không có bóng dáng của một khu nhà ở xã hội hoặc một khu đất nào được dùng để xây dựng nhà ở xã hội trong tương lai. Nhiều phần đất trong dự án được giao cho các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà ở thương mại đến nay cũng tiến hành dở dang, công trình nằm bất động.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, việc các chủ đầu tư bớt xén quỹ đất dành cho nhà ở xã hội là điều hoàn toàn có thể xảy ra, vì phần đất này sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, nếu được dùng làm nhà ở thương mại hoặc các công trình dịch vụ khác. Nhiều dự án có dành đất xây nhà ở xã hội, nhưng đây cũng là phần đất xấu nhất của dự án.

Kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, một số doanh nghiệp tại Hà Nội đề xuất dành riêng diện tích đất xây nhà ở xã hội, không quy hoạch nhà ở xã hội vào các dự án nhà ở thương mại. Chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại có trách nhiệm đóng góp kinh phí để UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản không chấp nhận đề xuất này và yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội thực hiện nghiêm quy định đã có, vì định hướng xây dựng nhà ở xã hội xen lẫn khu thương mại nhằm tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo ra sự công bằng xã hội.

Hà Quang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục