Vốn tư nhân trong nước rót vào điện khí

Việc các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh đầu tư phát triển điện khí hóa lỏng (LNG) sẽ góp phần giảm giá thành điện thương mại, giải quyết áp lực thiếu hụt nguồn khí trong nước.
Các dự án điện khí có vốn rất lớn, nên vắng bóng nhà đầu tư tư nhân trong nước. Trong ảnh: Nhiệt điện khí Phú Mỹ 4 của EVN Genco 3. Các dự án điện khí có vốn rất lớn, nên vắng bóng nhà đầu tư tư nhân trong nước. Trong ảnh: Nhiệt điện khí Phú Mỹ 4 của EVN Genco 3.

Khởi động những dự án điện khí tỷ USD

Tập đoàn T&T vừa đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai Dự án đầu tư Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có số vốn lên tới 4,4 tỷ USD. Dự án có quy mô gần 120 ha, nằm trên địa phận xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng), thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, có công suất giai đoạn I là 1.200-1.500 MW, giai đoạn II là 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn I từ năm 2028.

Hiện Tập đoàn T&T và đơn vị tư vấn của Dự án là Viện Năng lượng đã hoàn tất báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia trình các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị, trước khi trình Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, tỉnh này thống nhất cao với đề xuất của nhà đầu tư. Ngay trong cuối tháng 12/2019, tỉnh sẽ hoàn tất hồ sơ báo cáo điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia lên Bộ Công thương xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án điện khí có hiệu suất rất cao

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG được đánh giá là sạch, có hiệu suất rất cao, ổn định, chi phí vận hành và bảo trì thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện; diện tích xây dựng ít; chế độ vận hành linh hoạt. Đặc biệt, các ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường, cảnh quan du lịch, an sinh xã hội được giảm thiểu và kiểm soát chặt chẽ.    

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng bước đầu đã nhận được những đánh giá tích cực từ các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Trị. Dự án phù hợp với Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị nói chung và Quy hoạch Phát triển công nghiệp khí và các dự án có nhu cầu sử dụng khí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025.

Trước đó, tháng 6/2019, Tập đoàn T&T và đối tác là Công ty Gen X Energy (Mỹ) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về kế hoạch đầu tư Dự án Trung tâm Nhiệt điện khí hóa lỏng LNG, Bến chuyên dụng và kho khí hóa lỏng LNG - Cái Mép Hạ, với tổng chi phí đầu tư gần 6 tỷ USD, công suất 6.000 MW, dự kiến đi vào vận hành năm 2023.

Theo báo cáo của Công ty Gen X Energy, Dự án Tổ hợp khí hóa lỏng LNG Cái Mép Hạ gồm 2 bến chuyên dụng tiếp nhận khí hóa lỏng LNG (chiều dài mỗi bến khoảng 500 m, phục vụ tàu trọng tải 100.000 DWT); kho chứa khí hóa lỏng LNG, hệ thống hóa hơi, hệ thống vận chuyển khí… 

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, Sở này đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương về các dự án nhà máy điện khí đang xin chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã có văn bản đề nghị và xin ý kiến Bộ Công thương và Chính phủ cho phép bổ sung quy hoạch, phát triển hạ tầng các dự án điện khí này vào quy hoạch điện lực.

Cần nhiều hơn các dự án tư nhân

Đầu tư các dự án điện khí hóa lỏng có đặc thù là vốn rất lớn, nên còn vắng bóng các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Phần lớn các dự án đầu tư tỷ USD đều do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoặc do Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) làm chủ đầu tư. Hai dự án do Tập đoàn T&T đề xuất thực hiện tại Vũng Tàu và Quảng Trị được xem là không thua kém các dự án 100% vốn FDI.

Báo cáo của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) về “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” hồi đầu năm nay đã chỉ ra sự thiếu bền vững của mô hình tài chính truyền thống khi chủ yếu dựa vào đầu tư công thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, nhu cầu vốn cho ngành điện khoảng 148 tỷ USD. Bên cạnh vai trò quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đầu tư mới vào ngành điện cần huy động từ khu vực tư nhân.

Báo cáo của WB đã đề xuất kế hoạch hành động về cách thức khai thông các nguồn tài chính mới, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, dựa trên phân tích toàn diện về nhu cầu đầu tư, cũng như những nút thắt trong môi trường pháp lý hiện hành, trong đó có thị trường vốn và ngoại hối.

“Chúng tôi thấy, các nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm để tham gia thị trường năng lượng đang lớn mạnh ở Việt Nam, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng. Họ sẵn sàng đầu tư, miễn là các dự án có cấu trúc tốt và lành mạnh về tài chính. Các nhà đầu tư cần một môi trường pháp lý minh bạch và ổn định, trong đó có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp cho tất cả các bên”, ông Franz Gerner, Kinh tế trưởng Ngành năng lượng của WB tại Việt Nam nhận định.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục