Phân tích quy hoạch ngành điện Việt Nam và cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết, mảng điện than phát triển tối đa không quá 60.000 MW; thuỷ điện sẽ bị hạn chế phát triển, chỉ còn khoảng 18.000 MW. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời được ưu tiên phát triển.
Tuy nhiên, thực tế, điện gió mới chỉ có nhà máy điện Bạc Liêu, Bình Thuận đi vào hoạt động với hiệu quả còn rất thấp. Tương tự, một số chủ đầu tư đang xin cấp phép và triển khai dự án điện mặt trời, nhưng nếu những dự án này được triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 thì công suất không đáng kể.
Do vậy, việc phát triển điện khí là rất cần thiết và có tiềm năng lớn, bởi Việt Nam sẵn có nguồn khí dự trữ xa bờ có thể khai thác và nhập khẩu cũng thuận lợi.
Tiềm năng là thế, nhưng dưới góc nhìn của ông Adam Moncrieff, điều hành Công ty Luật Allen&Overy, công ty chuyên tư vấn cho các tập đoàn lớn về cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực hóa dầu tại châu Á - Thái Bình Dương, để thị trường điện khí tại Việt Nam phát triển, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là từ khu vực tư nhân trong nước và vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường ống vận chuyển khí, hệ thống cảng trung chuyển, nhà máy điện…
Mặt khác, dù sản lượng khí đã tăng theo thời gian, nhưng để đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp nặng khí điện đạm, Việt Nam cần đầu tư khai thác các nguồn khí dự trữ xa bờ, do đó, đòi hỏi những nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, hiện còn nhiều rào cản đối với việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Adam Moncrieff, ngoài câu chuyện không có chính sách ưu tiên phát triển điện khí (trợ giá như với điện năng lượng mặt trời - PV) thì những khó khăn, chậm trễ trong việc phê duyệt dự án đầu tư vào lĩnh vực khí, phát triển cơ sở hạ tầng và dự án điện khí cũng đang là những cản trở làm nản lòng các nhà đầu tư.
Theo Bộ Công thương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực điện khí tại Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư Nhật và Mỹ đã lên kế hoạch đầu tư tại Cà Ná, Bình Thuận.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài thông qua hợp tác với PV Gas lên kế hoạch đầu tư các dự án xây dựng nhà máy phát điện LNG, bởi Việt Nam có hệ thống cảng phù hợp để nhập LNG về.
Bên cạnh việc cần có giải pháp tháo gỡ những rào cản này, ông Adam khuyến nghị, cần có sự đảm bảo cho các nhà đầu tư về nguồn cung cấp khí cũng như bao tiêu sản lượng điện.
Để phát triển điện khí sử dụng LNG trong dài hạn, ông Ngãi cũng cho rằng, cần đảm bảo hai yếu tố: Có nguồn nguyên liệu và có đủ cơ sở hạ tầng thông qua việc đầu tư xây dựng các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ và đảm bảo môi trường.
Theo quy hoạch nguồn điện đến năm 2030, ngành điện khí cần đạt 30.000 MW và tới 2050 ước tính lên tới 50.000 MW trong tổng cơ cấu nguồn điện theo quy hoạch.
Để có đủ nguồn LNG cung ứng cho mục tiêu này, cần tính toán chính xác lượng khí hoá lỏng khai thác trong nước và nhập khẩu từ Trung Đông, Trung Quốc, Mỹ, đảm bảo có nguồn khí cung ứng cho các dự án điện ổn định lâu dài bền vững. Vấn đề thứ hai liên quan đến nguồn nguyên liệu dài hạn tác động trực tiếp tới sự sống còn của các dự án điện khí là giá khí cũng phải cân đối ở mức hợp lý.
“Giá khí quá cao sẽ khiến giá thành điện khí cao, khó cạnh tranh so với các nguồn điện truyền thống khác, khiến điện khí khó phát triển”, ông Ngãi nói.
Liên quan vấn đề cơ sở hạ tầng, theo ông Ngãi, ngay từ bây giờ Việt Nam cần quy hoạch cụ thể số lượng và vị trí các nhà máy cho giai đoạn tới. “Cần tính toán tới năm 2030, cần bao nhiêu nhà máy điện khí, xác định các vị trí nhà máy, trừ các nhà máy đang hoạt động hiện tại, còn nhà máy mới đặt ở đâu thì ở đó cần có quy hoạch các hệ thống hạ tầng đồng bộ”, ông Ngãi nói.
Tương lai phát triển ngành công nghiệp khí hóa lỏng Việt Nam rất khả quan
Bên cạnh phát triển thị trường điện khí LNG, có nhiều yếu tố giúp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để phát triển song song ngành công nghiệp LPG hóa dầu. Đó là nguồn cung khí hóa lỏng sẽ tiếp tục gia tăng do bùng nổ về dầu đá phiến ở Mỹ. Theo đó, nhu cầu khí hóa lỏng sẽ được thúc đẩy bởi những lợi thế của hóa dầu. Ban đầu thì những hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đổ vào thị trường Viễn Đông, tuy nhiên trong tương lai sẽ đổ về Đông Nam Á nhiều hơn.
Do khí hóa lỏng có giá cả cạnh tranh, nên ngành công nghiệp hóa dầu đã phát triển nhanh chóng trên thế giới như khử hydro C3, cấp liệu máy cracking, nhu cầu về khí hóa lỏng dự kiến sẽ mở rộng trong các ngành công nghiệp và nhiên liệu vận tải. Vì vậy, dự báo tương lai phát triển ngành công nghiệp khí hóa lỏng Việt Nam rất khả quan.
Ông Park Young Jin, Giám đốc phụ trách kinh doanh khí hóa lỏng LPG, Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina