Vốn rẻ chảy mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Tuần trước, tại một ngân hàng TMCP cỡ trung, Ban điều hành đã quyết định mua 500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của một DN, với lãi suất 11%/năm cho năm đầu tiên.
Vốn rẻ chảy mạnh vào trái phiếu doanh nghiệp

Mức 11% thấp hơn đáng kể so với lãi suất cho vay 5 năm, hiện đang ở 12-12,5%/năm của chính Ngân hàng này. “Ở  thời điểm hiện tại, kiếm được một doanh nghiệp để cho vay với lãi suất 11% không phải dễ, nên chúng tôi quyết định đầu tư vào trái phiếu đó, vì nó vẫn có lợi”, nguồn tin từ Ngân hàng cho biết.

Không riêng thương vụ trên, nhiều ngân hàng đã và đang tham gia đầu tư vào một loạt trái phiếu doanh nghiệp ở các lãi suất trên bề mặt tương đối thấp. Lãi suất phát hành tháng trước của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã xuống 12%/năm - sụt giảm 200 điểm so với lãi suất phát hành quý III/2013 của Tập đoàn, nhưng vẫn bán thành công toàn bộ 1.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2013, một tập đoàn bất động sản lớn khác cũng đã bán thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu, với lãi suất chỉ 11%/năm. Gần đây nhất, đợt phát hành “khủng” 6.800 tỷ đồng với lãi suất 11%/năm của một đơn vị kinh doanh tài nguyên thuộc Tập đoàn Masan đã hầu như được mua hết, những nguồn tin liên quan đến thương vụ này cho biết.

Nhiều DN khác - kể cả doanh nghiệp cỡ trung - đang “xếp hàng” chờ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong đó có những thương vụ phát hành một vài trăm tỷ đồng, có những thương vụ DN chỉ đàm phán bán cho duy nhất một nhà đầu tư.

Nguồn vốn rẻ của ngân hàng dường như đang hướng mạnh vào kênh TPDN. Những nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu nói rằng, hiện nay lượng DN đủ tốt để có thể cho vay rất ít, nên một khi có DN đủ điều kiện để phát hành trái phiếu, sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ phía các ngân hàng.

Đặc điểm chung của các đợt phát hành TPDN là đều thực hiện qua kênh riêng lẻ, chứ không phải phát hành ra công chúng để có khả năng huy động được nhiều vốn hơn, giá rẻ hơn. Có thể DN không cần thiết phải chào bán cho nhiều đối tượng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu vốn, có thể những ngân hàng lớn không cần thiết phải san sẻ khoản đầu tư tốt cho các nhà đầu tư khác. Nhưng cũng có thể cả DN và ngân hàng không tự tin “phơi” đợt phát hành ra công chúng.

Thực tế, phần lớn tiền trong các đợt phát hành TPDN kể trên được dùng để tái cơ cấu lại nợ cho DN, trong đó có doanh nghiệp phát hành cho một ngân hàng để trả lại các khoản nợ cũ của nhiều ngân hàng khác, thu số nợ về một mối với lãi suất hợp lý và các điều khoản gọn nhẹ hơn. Những mục đích này thường không được nêu công khai trong bản công bố thông tin, mà chỉ nằm trong những tài liệu thương thảo riêng giữa DN và ngân hàng.

Nói đơn giản, một phần lớn nguồn vốn rẻ của ngân hàng vẫn tiếp tục chảy mạnh về TPDN, nhưng chưa đi thẳng vào sản xuất, mà mục tiêu chủ đạo là tái cấu trúc vốn tại DN. Với mục tiêu này, việc thị trường mù mờ thông tin về TPDN là dễ hiểu, bởi việc tái cấu trúc, cùng với những cách làm phức tạp và rủi ro tiềm ẩn, luôn là thông tin nhạy cảm mà cả DN và ngân hàng không muốn công bố!

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục