Vốn ODA mới của Nhật Bản tập trung mạnh vào sân bay, cảng biển

Hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án hạ tầng giao thông là cơ sở để có thêm nhiều dự án mới sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản được triển khai trong thời gian tới.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản vẫn rất quan trọng đối với xây dựng hạ tầng giao thông Nguồn vốn ODA của Nhật Bản vẫn rất quan trọng đối với xây dựng hạ tầng giao thông

Nếu không có gì thay đổi, từ ngày 5 - 15/8, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cử đoàn sang làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) để tiến hành thu thập thông tin chuẩn bị cho việc thẩm định vốn vay Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng – giai đoạn II.

Đây là một trong những dự án mới đầu tiên được thẩm định kể từ khi Nhật Bản chính thức thông báo nối lại việc cấp vốn cho các dự án mới sử dụng vốn ODA sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam khi thực hiện Dự án Xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội.

Được kỳ vọng là một trong những công trình cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam, Cảng Tiên Sa giai đoạn II có tổng mức đầu tư khoảng 100 – 120 triệu USD. Dự án này bao gồm việc xây dựng các bến tàu container trọng tải 50.000 DWT, tàu tổng hợp trọng tải 30.000 DWT đến 70.000 DWT và tàu khách trọng tải tới 100.000 GRT; xây dựng hệ thống kho bãi, hạng mục công trình trên diện tích 16,34 ha; nạo vét luồng, khu nước trước bến, vũng quay tàu…

“Chúng tôi tin tưởng, công trình sẽ sớm nhận được sự đồng thuận của nhà tài trợ do cảng Tiên Sa hiện nay sắp quá tải sau một thời gian dài tăng trưởng liên tục 20%/năm”, lãnh đạo Ban quản lý dự án 85, đơn vị chuẩn bị đầu tư Dự án cho biết.

Đối với Dự án này, vào cuối tháng 12/2013, Bộ GTVT đã ký biên bản ghi nhớ với nhà tài trợ JICA để hỗ trợ rà soát nghiên cứu khả thi, chuẩn bị thẩm định vốn vay, đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xếp dự án vào danh mục vốn vay đợt 2 tài khóa 2014 với mức vay dự kiến khoảng 10 tỷ Yên theo hình thức ngân sách cấp, sau khi hoàn thành sẽ đấu thầu lựa chọn nhà khai thác cảng để thu hồi vốn.

Ngoài Dự án cảng Tiên Sa, Đà Nẵng – Giai đoạn II, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa thêm 3 dự án mới ưu tiên vào đợt 2 tài khóa 2014 vay vốn ODA Nhật Bản gồm: xây dựng trung tâm điều hành ITS cho mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Bắc (6,8 tỷ Yên); Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 3 – thay thế 100 cầu yếu trên các quốc lộ (30 tỷ Yên); xây dựng 2,7 km kết nối Đại lộ Đông – Tây TP.HCM đến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (10 tỷ Yên).

Trong khi đó, cùng với việc tích cực phối hợp với các bên liên quan triển khai các biện pháp nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý vốn vay, Bộ GTVT đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.

“Đến thời điểm này, cụm công trình sử dụng hơn 1,5 tỷ USD ODA Nhật Bản ở khu vực Hà Nội là cầu Nhật Tân, Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài và đường nối cầu Nhật Tân với T2 Nội Bài chắc chắn về đích đúng tiến độ vào cuối năm nay”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.

Được biết, để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn vốn ODA Nhật Bản, Danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ GTVT đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2014 - 2016, với tổng mức đầu tư lên tới 470 tỷ yên (6 tỷ USD).

Theo đó, trong danh sách dài các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản trong 3 năm tới, hội tụ những công trình có quy mô rất lớn thuộc các lĩnh vực giao thông đô thị, cảng biển, đường cao tốc, hàng không và đường sắt.

Cụ thể, ngoài các hiệp định vay bổ sung cho các dự án đang triển khai, trong danh mục 29 dự án dự kiến vay ODA Nhật Bản, có tới 15 dự án mới với quy mô vốn lớn như: đường cao tốc Bắc Nam đoạn (Trung Lương - Mỹ Thuận); cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài; đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Phan Thiết.

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn và nhất là phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.

“Trong khi ngân sách còn đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành GTVT”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục