Chia sẻ tại “Diễn đàn Hà Nội – Điểm nhấn trong triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, xây dựng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo” do Tạp chí Nikkei (Nhật Bản) tổ chức mới đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể cân nhắc tham gia.
Trước hết đó là các cơ hội mở ra từ thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng...
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các tập đoàn lớn của Nhật Bản rất tích cực tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam và đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, hàng không, năng lượng, dược phẩm.
Bên cạnh đó, các khung khổ chính sách đang được tập trung hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng. Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng. Đây là một thế mạnh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.
Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và kết nối khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu cũng đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng vốn góp đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, thông tin từ đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa lớn có chất lượng cho thị trường chứng khoán.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của UBCK, trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch.
Trong một, hai năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cùng với đó, một số sản phẩm mới sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường.
“Chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (bond futures) sẽ được đưa vào giao dịch trong năm 2018.
Một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào giao dịch trong năm 2019 và 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở. Đây sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư ngoài nước nói chung và Nhật Bản nói riêng", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt vào thị trường Việt Nam. Ông Shosuke Mori, Phó tổng giám đốc bộ phận ngân hàng quốc tế, Ngân hàng Sumitomo Mitsui cho rằng, có 6 lý do thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn dòng vốn Nhật, đó là: Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao; người lao động cần cù chăm chỉ và chịu khó học hỏi; có vị trí địa lý gần thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan; môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và thân thiện hơn với môi trường; có sự tương đồng về văn hoá với Nhật Bản. Đặc biệt, sự ổn định của môi trường chính trị là yếu tố hấp dẫn hàng đầu đối với nhà đầu tư Nhật Bản.
Mặc dù vậy, ông Mori cũng chỉ rõ 3 thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để có thể đột phá và tăng tốc phát triển cũng như thu hút dòng vốn từ bên ngoài, đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cấp ngành công nghiệp trong nước nhằm tạo ra giá trị ngày càng cao hơn, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch pháp lý.
“Việt Nam cần giải quyết được ba vấn đề này để có thể thực sự bùng nổ phát triển trong thời gian tới”, ông Mori khuyến nghị.