Có niềm tin, vốn Nhật sẽ chảy mạnh vào Việt Nam

(ĐTCK) Khoảng 200 nhà đầu tư đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã đến dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam ngày 21-22/8/2017. 
Khoảng 200 nhà đầu tư Nhật Bản đã đến tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam Khoảng 200 nhà đầu tư Nhật Bản đã đến tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, Đoàn công tác Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc làm việc với Sở Giao dịch chứng khoán nước này, nhằm chia sẻ thông tin về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và kết nối chặt hơn mối quan hệ hợp tác trong ngành chứng khoán.

Cơ hội từ Việt Nam

Phát biểu trước các nhà đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau gần 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất lịch sử.

Ông Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam. Thực tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam là rất tích cực (Nhật đứng thứ hai trong tổng số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với 46,47 tỷ USD), nhưng vốn đầu tư gián tiếp từ Nhật vào doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng

. Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam hiện có rất nhiều cơ hội, nhiều dư địa cho hợp tác tài chính 2 nước và vì thế, ông muốn các nhà đầu tư Nhật Bản hãy đặt nhiều câu hỏi để hiểu và tin vào kênh đầu tư rộng mở này.

Chia sẻ với nhà đầu tư Nhật Bản, lãnh đạo ngành tài chính cho biết, hiện có ít nhất 3 kênh đầu tư có mong muốn mời gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó có Nhật Bản, gồm chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu); cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN); thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần.

Ông Dũng khẳng định, khung pháp lý tại Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện theo hướng kiên định xây dựng thị trường tài chính minh bạch, lành mạnh, gỡ bỏ các nút thắt để dòng vốn chuyên nghiệp dễ đến với Việt Nam.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho hay, TTCK Việt Nam đã và sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới, để tăng sức hút với các dòng vốn chuyên nghiệp.

Sau việc khai trương thị trường chứng khoán phái sinh ngày 10/8 vừa qua, tháng 11/2017, sản phẩm chứng quyền có đảm bảo sẽ được đưa vào triển khai cùng với việc sớm đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ lên niêm yết.

 Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cùng Đoàn công tác ngành chứng khoán làm việc tại Sở GDCK Tokyo

Thực tế, sự khởi sắc của TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự đóng góp đáng kể của dòng vốn ngoại, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên, vốn Nhật chảy vào Việt Nam theo con đường đầu tư gián tiếp còn rất nhỏ so với tiềm năng.

Hiện có một số quỹ đầu tư được thành lập tại Việt Nam có sự tham gia của vốn Nhật như Quỹ đầu tư Japan Asian MB Capital, Quỹ đầu tư cổ phiếu Dai-ichi Life Việt Nam, Quỹ thành viên Việt Nhật, Quỹ đầu tư Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp từ phía Nhật khoảng 53 triệu USD.

Số doanh nghiệp Việt Nam có cổ đông là các tổ chức Nhật Bản cũng còn rất khiêm tốn, tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Tập đoàn Bảo Việt, SSI, Dược Hậu Giang, Petrolimex…

Có niềm tin, vốn Nhật sẽ chảy mạnh vào Việt Nam

Bà Keiko Tashiro, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Daiwa cho rằng, sự trọng thị và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư của người Nhật được thể hiện rõ nét khi các nhà đầu tư này đến từ rất sớm, lắng nghe thông điệp từ Việt Nam. Người Nhật có đặc trưng rất kỹ tính và cẩn trọng.

Vì thế, họ thường ít sai trong việc chọn lựa cơ hội, nhưng cũng dễ đánh mất thời điểm đầu tư tốt nhất, do khoảng cách từ việc nhìn thấy cơ hội đến việc rót vốn thường rất dài. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Nhật có một đặc điểm là nếu trước đó đã có nhà đầu tư Nhật góp vốn thì nhà đầu tư đi sau sẽ không mất quá nhiều thời gian thẩm định, đánh giá nữa.

Vì thế, nếu các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được những đánh giá khắt khe của nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên thì sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư Nhật khác.

Lãnh đạo JICA, ông Noriyuki Suzuki cho biết, hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam đang tạo nên sức hấp dẫn lớn với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. So với Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản thấp hơn rất nhiều, khiến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản rất muốn mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên, với người Nhật, chữ tín và niềm tin là hai yếu tố được quan tâm trước hết, sau đó mới đến các chỉ tiêu đánh giá cơ hội góp vốn. Trong câu chuyện cổ phần hóa DNNN và thoái vốn, điều nhà đầu tư Nhật quan tâm là lộ trình và sự minh bạch của doanh nghiệp bán vốn.

Trong việc xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp trên sàn (khoảng 1.900 doanh nghiệp trên HOSE, HNX, UPCoM), điều họ quan tâm là khả năng giám sát thị trường để giữ gìn kỷ cương hoạt động, giảm thiểu khả năng thị trường bị lũng đoạn, thao túng giá.

Vấn đề JICA nêu lên cũng đồng thời là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Các ý kiến từ phía Nhật cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam không lo thiếu vốn nếu từng bước cải thiện chất lượng minh bạch và kỷ cương thị trường.

Sự xuất hiện của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Sumitomo Mistui Trust Bank, Nikkei, Hitachi, Taisho, Mitsui Chemical… tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cho thấy, họ thực sự quan tâm và mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Quá trình tìm hiểu lẫn nhau chắc chắn sẽ cần thêm thời gian và sự nỗ lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, khi phía Việt Nam trao cho nhà đầu tư Nhật cơ hội góp vốn, thì nhà đầu tư Nhật cũng đang trao cho Việt Nam cơ hội tìm đến những tổ chức xứng tầm chiến lược để hợp tác và vươn lên.    

UBCK sẽ tăng cường tiếp xúc để hiểu và tháo gỡ khó khăn cho dòng vốn Nhật

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Dòng vốn nước ngoài rất quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam và vì thế, trong những năm qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại. Công tác tái cơ cấu DNNN đang tạo nên nguồn hàng rất lớn cho TTCK.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu ngành, tổng công ty lớn đã thực hiện cổ phần hóa và lên sàn, khiến mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản gia tăng rõ nét. Hiện nay, trong tổng số 1,81 triệu tài khoản đầu tư, có 21,7 nghìn tài khoản nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 33% số tài khoản đến từ Nhật Bản.

Nhằm tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia TTCK Việt Nam, chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chúng tôi sẽ xây dựng khung pháp lý thúc đẩy sự công khai, minh bạch của các chủ thể, tôn trọng quy luật thị trường, từng bước hội nhập với TTCK khu vực và quốc tế. UBCK cũng sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý Nhật Bản như JFSA, Bộ Tài chính Nhật Bản và các đối tác lớn, nhằm tìm hiểu nhu cầu của các bên, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Khi đã quyết định rót vốn, chúng tôi sẽ đi đường dài với doanh nghiệp

Bà Keiko Tashiro, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Daiwa

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn ngoại, nếu Chính phủ rộng cửa cho vốn nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và an toàn, chắc chắn vốn ngoại sẽ chảy vào Việt Nam.

Daiwa biết đến thị trường Việt Nam từ 10 năm trước và sự lựa chọn đầu tiên để rót vốn là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Hiện Daiwa sở hữu 17% vốn tại SSI và nhiều đối tác, khách hàng của Tập đoàn đã rót vốn vào TTCK Việt Nam.

Chúng tôi thường xem xét rất kỹ các hoạt động đầu tư, nhưng khi đã quyết định rót vốn thì sẽ đi đường dài với doanh nghiệp Việt. Cũng với mong muốn bắc một cây cầu để vốn Nhật chảy sang Việt Nam, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Sở GDCK TP.HCM tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trên 2 thị trường.

Tôi cho rằng, muốn tạo niềm tin và khích lệ vốn Nhật chảy vào thị trường tài chính Việt, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các doanh nghiệp Việt cần chủ động cải tiến hướng theo thông lệ quản trị tốt và kinh doanh minh bạch.

Chúng tôi (tổng tài sản đang quản lý 247 tỷ USD) cùng nhiều khách hàng của Daiwa rất quan tâm và mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Mong các bạn trao cho chúng tôi cơ hội và niềm tin.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục