Vốn Nhật Bản vẫn đang vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Cửa hàng Uniqlo tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh Cửa hàng Uniqlo tại Vincom Center Metropolis (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Dịch vụ tăng tốc, sản xuất “chờ thời”

Hai tuần trước, Uniqlo, thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản, đã chính thức khai trương cửa hàng Uniqlo lớn nhất tại Việt Nam - cửa hàng trực tuyến. Trước đó 1 tuần, Uniqlo mở cửa hàng tại AEON Mall Hà Đông, nâng số cửa hàng của Uniqlo tại Việt Nam lên con số 9, chỉ sau 2 năm đặt chân đến Việt Nam.

“Sự quan tâm của khách hàng đã tạo động lực để chúng tôi quyết định ra mắt cửa hàng trực tuyến của Uniqlo tại Việt Nam”, ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam cho biết.

Sự quan tâm của khách hàng, tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam chính là lý do khiến Uniqlo và sau này là MUJI, một thương hiệu khác của Nhật Bản “cập bến” thị trường. Sau khi mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM vào cuối tháng 11/2020, MUJI cũng đã chính thức tiến quân ra thị trường phía Bắc bằng cửa hàng ở Hà Nội, khai trương đầu tháng 7/2021.

Khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc MUJI Việt Nam cho biết, MUJI lựa chọn Việt Nam bởi đây là một trong những thị trường tiềm năng nhất và kế hoạch của MUJI là sẽ mở 8-10 cửa hàng tại Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn AEON đã mở rộng hệ thống AEON Mall tại 6 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi khai trương AEON Mall Hải Phòng vào cuối năm ngoái và đang chuẩn bị cho kế hoạch AEON Mall ở Hoàng Mai (Hà Nội), kể từ đầu năm tới nay, tập đoàn này đã tới Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Đồng Nai… để sẵn sàng cho các kế hoạch đầu tư mới.

Rõ ràng, các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ở Việt Nam đang ngày trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Nhật Bản. Một dòng vốn lớn đang được đổ vào lĩnh vực này. Điều này có vẻ trái ngược với xu hướng đầu tư đang chậm lại vào các lĩnh vực sản xuất, vốn lâu nay là lợi thế của doanh nghiệp Nhật Bản.

Cả năm 2020, các doanh nghiệp Nhật chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 2,37 tỷ USD, trong đó đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là gần 1,15 tỷ USD. Suốt cả năm ngoái, không có dự án quy mô lớn nào của Nhật Bản được cấp chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện dần trong năm nay. 10 tháng qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 3,4 tỷ USD, tăng 89,9% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, sự tăng tốc mạnh mẽ này chủ yếu do có hai dự án lớn của Nhật Bản đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Đó là Dự án Nhiệt điện Ô Môn II (vốn đăng ký 1,31 tỷ USD) và Dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kraft Vina (vốn đầu tư 611,4 triệu USD).

Chờ những điều tốt đẹp ở phía trước

Vốn đầu tư từ Nhật Bản đang chậm lại, song trên thực tế, theo khẳng định của ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội), thì “vốn Nhật Bản vẫn đang vào Việt Nam”.

“Mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Nhật sẽ tốt đẹp trở lại sau khi Covid-19 được kiểm soát”, ông Takeo Nakajima kỳ vọng.

Trên thực tế, dù không tăng mạnh, song vốn từ Nhật Bản vẫn đang vào Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật cũng đang kiên trì thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình là các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ kể trên.

Nhật Bản luôn là người bạn lớn, là đối tác quan trọng hàng đầu, cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài, thứ 3 về kim ngạch thương mại… Các con số này đã cho thấy quan hệ hết sức đặc biệt và sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hồi tháng 5/2021, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, đã được khởi công xây dựng. Trong khi đó, Tập đoàn Sumitomo vẫn đang kiên trì với giai đoạn II của Khu công nghiệp Thăng Long (Hưng Yên), dù đang bị chậm tiến độ khoảng 1 năm do ảnh hưởng của Covid-19. Sumitomo cũng đang rốt ráo với Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Còn Công ty TNHH Công nghiệp kính NSG Việt Nam, với 626 triệu USD vốn đầu tư, bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động sản xuất 2 dây chuyền sản xuất đều có công suất 500 tấn/ngày tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đang sẵn sàng cho dây chuyền 3, công suất 600 tấn/ngày, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025…

Các doanh nghiệp Nhật Bản, trên thực tế, vẫn luôn đánh giá cao sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam luôn trông chờ dòng vốn đầu tư có chất lượng của Nhật Bản.

Tính lũy kế cho đến nay, Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 64 tỷ USD. Để nỗ lực khơi dòng vốn Nhật Bản và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản, mới đây, Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn 8 đã chính thức được khởi động.

Hơn thế, một thông tin quan trọng khác là, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11. Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng sẽ là cơ hội to lớn để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Được biết, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) hôm 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã trao đổi về các biện pháp nhằm duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất giữa hai bên khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tại cuộc gặp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất - kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản cảm ơn và mong muốn Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản nối lại hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Tất cả đang hứa hẹn những điều tốt đẹp ở phía trước.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục