Vốn ngoại vào Việt Nam không ngại Fed

(ĐTCK) Theo ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, lộ trình tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 của Fed có thể khiến các nhà đầu tư trì hoãn kế hoạch rót vốn vào các thị trường mới nổi, nhưng không đáng ngại với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với nền tảng vĩ mô khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại Với nền tảng vĩ mô khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Ông dự báo ra sao về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2017?

Năm 2016, nền kinh tế toàn cầu hứng chịu những làn gió ngược từ vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế đến những biến động về địa chính trị như Brexit, vấn đề người di cư tại châu Âu và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục giữ ở mức thấp chủ yếu do sự giảm tốc của các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, các quốc gia mới nổi và đang phát triển (EMDEs) nhìn chung vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 được dự báo ở mức 2,6 - 2,7%, thấp hơn các dự báo được đưa ra trước đó. Nhìn chung, sự hồi phục của các nước EMDEs vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Giá cả hàng hóa đang có xu hướng thoát đáy được kỳ vọng tiếp tục gia tăng vừa phải.

Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy có xu hướng đối lập. Mỹ đang và sẽ trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Cả hai khu vực sản xuất và dịch vụ đều tăng trưởng tốt, qua đó tác động tích cực đến tâm lý chi tiêu của người dân, bất chấp lãi suất đang có xu hướng tăng sau động thái tăng lãi suất của Fed gần đây và kế hoạch tăng 3 lần trong năm nay. Trung Quốc lại gắn liền với bài toán khác.

Nỗi lo của Trung Quốc nằm ở thị trường tài chính cùng rủi ro bong bóng tài sản đang trỗi dậy. Trong năm 2017, Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 6,5% và dự báo trong giai đoạn từ nay đến 2020, tăng trưởng GDP nước này trong khoảng 6,5 - 7%. Hiện tại, ưu tiên của Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế ổn định nhằm tạo tiền đề giải quyết rủi ro tài chính.

Mới đây, Trung Quốc đã có những hành động đầu tiên như hạ mục tiêu tăng cung tiền M2 (từ 13% năm 2016 xuống 12% năm 2017), cân nhắc đánh thuế bất động sản, sử dụng công cụ thị trường mở và thắt chặt kiểm soát dòng vốn chảy ra bên ngoài.

Ông Bạch An Viễn 

Một nỗi lo khác trong bức tranh kinh tế toàn cầu là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ và trưng cầu dân ý tại Ý. Năm 2017, tâm điểm chính trị vẫn thuộc về châu Âu khi hàng loạt quốc gia lớn như Đức, Pháp, Hà Lan… tổ chức bầu cử với làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu. Dòng vốn FDI toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh thu hút dòng vốn trở lại Mỹ nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân nước này.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, năm 2017, chúng tôi kỳ vọng kinh tế trong nước sẽ khởi sắc nhờ hoạt động sản xuất tốt hơn và điều kiện thế giới ổn định. Tuy nhiên, tôi đánh giá tăng trưởng GDP có thể quanh mức 6,5% và không đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra do động lực tăng trưởng của cả bốn trụ cột là tiêu dùng cá nhân, đầu tư trong nước và FDI, chi tiêu chính phủ và xuất nhập khẩu đều gặp chút trở ngại.

Chẳng hạn, dòng vốn đầu tư FDI có thể chậm lại do ảnh hưởng từ bên ngoài như: giới hạn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, scandal chính trị của Samsung, sự đảo chiều của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro tỷ giá có thể làm thay đổi chiến lược đầu tư.

Fed đã phát đi thông điệp sẽ có không dưới 3 lần tăng lãi suất cơ bản USD trong năm nay, diễn biến này sẽ tác động ra sao tới tỷ giá tiền đồng, theo ông?

Thực tế, tiền đồng đang trong xu thế giảm giá so với USD, nhất là kể từ năm 2015 trước áp lực USD liên tục tăng giá và Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Fed có kế hoạch nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017, mỗi lần tăng 0,25% trong bối cảnh sức khỏe kinh tế liên tục cải thiện, thị trường lao động tốt lên và lạm phát tiệm cận vùng mục tiêu.

Lộ trình này nếu thực hiện có thể khiến các nhà đầu tư trì hoãn kế hoạch rót vốn vào các thị trường mới nổi. Dù vậy, tôi thực sự không quá bi quan về tác động của việc tăng lãi suất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đánh giá của ông về dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán trong nước Việt Nam năm 2017 trong bối cảnh Fed nâng lãi suất và đồng USD tăng giá mạnh?

Nguyên nhân mức giảm giá tiền đồng sẽ được kiểm soát tốt quanh mức 1 - 2% năm nay nhờ tình hình vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục (40 tỷ USD), cùng với các chính sách tiền tệ linh hoạt. Về khía cạnh thu hút FDI, việc thu hút mới và giải ngân vốn liên tục duy trì xu thế tăng trong nhiều năm qua. Vốn FDI thực hiện năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với 2015 và ghi nhận mức kỷ lục từ trước đến nay nhờ môi trường kinh doanh cải thiện.

Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn này tiếp tục duy trì ở mức cao do triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam và vị trí chiến lược của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Thêm vào đó, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc và hiệu ứng các FTA sẽ góp phần giúp nguồn vốn FDI không quá biến động tiêu cực. Thực tế thì Mỹ cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Còn về đầu tư gián tiếp, cho dù khối ngoại đã bán ròng trong năm 2016 sau nhiều năm mua ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng thực tế, khối này vẫn duy trì hoạt động mua ròng thông qua các kênh M&A, trái phiếu chính phủ và IPO.

Khối ngoại đã trở lại mua ròng tốt trong 2 tháng đầu năm và tôi kỳ vọng xu thế này sẽ được duy trì trong năm nay, cho dù áp lực bán ròng tại một số thời điểm hoàn toàn có thể xảy ra do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất. Bởi nền tảng vĩ mô cải thiện: tăng trưởng kinh tế khởi sắc hơn, lạm phát và tỷ giá sẽ được kiểm soát tốt. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính theo hướng tự do hơn và tiếp tục nới room cho khối ngân hàng.

Thêm vào đó, thoái vốn nhà nước, IPO và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy mạnh. Việc lên sàn của hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Sabeco, Novaland, Viet Jet Air… giúp thị trường chứng khoán  có thêm nhiều hàng hóa chất lượng. Triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam khá sáng sủa và hướng đến mức cao nhất trong 10 năm qua.

Các chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất có tác động ra sao đến diễn biến thị trường chứng khoán trong năm nay, theo ông?

Tôi cho rằng, trong năm  nay, Chính phủ tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại, dư địa cho cắt giảm các mức lãi suất chính sách không còn nhiều, nhưng lãi suất sẽ được duy trì ở mặt bằng ổn định. Tương tự, nới lỏng tiền tệ sẽ duy trì ở mức tốt với tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 19% trong nỗ lực kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Theo đó, dòng tiền tham gia thị trường được kỳ vọng tích cực.

Một căn cứ khác cho nhận định này là hiện các kênh đầu tư như bất động sản, vàng, ngoại tệ vẫn chưa tỏ ra áp đảo về tỷ suất sinh lợi so với kênh chứng khoán.

VN-Index đang xác lập xu thế tăng dài nhất trong lịch sử (5 năm) sau khi tăng thêm 15% trong năm qua và tiếp tục 7% trong 2 tháng đầu năm, vượt lên trên mốc 700 điểm. Đây được xem là khởi đầu tốt đẹp cho năm 2017.

Tôi kỳ vọng, năm 2017 vẫn là năm thành công đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Các động lực hỗ trợ chính sẽ là: kinh tế khởi sắc hơn và đi kèm là lợi nhuận doanh nghiệp tăng tốc, quá trình mở cửa thị trường vốn tiếp tục triển khai, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh, quá trình niêm yết của các doanh nghiệp lớn và khối ngoại có thể trở lại vị thế mua ròng.

Tuy nhiên, quá trình tăng sẽ không diễn ra liên tục cả năm, mà sẽ có những đợt tăng, giảm đan xen, nhưng xu thế tăng sẽ áp đảo. VN-Index có thể vận động trong vùng  680 – 760 điểm trong năm 2017 và kết thúc năm ở mốc trên 750 điểm.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục