Thông thường, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do đó, nhu cầu vốn ngoại tệ sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, việc có vay vốn ngoại tệ hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng điều chỉnh tỷ giá. Nếu tỷ giá tăng mạnh có thể doanh nghiệp sẽ chọn mua, thay vì vay.
Cùng với đó là sự ảnh hưởng lên tiền đồng từ chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Thực tế, từ sau sự kiện Brexit, Trung Quốc đã liên tục hạ giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu và điều này có thể thúc đẩy các nước khác phá giá đồng tiền của họ, với dự báo nước tiếp theo có thể là Nhật Bản, quốc gia vốn đã chịu thiệt hại nặng nề từ sự tăng giá quá mạnh của đồng yen.
Mặt khác, lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất tiền đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chênh lệch lãi suất vay đô-la Mỹ và tiền đồng có thể giãn ra, qua đó sẽ kích khích các doanh nghiệp vay ngoại tệ.
Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, ông Trần Việt Anh cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực nhựa, Công ty có điều kiện để vay USD bởi có nguồn thu về bằng ngoại tệ. Vì thế, Nam Thái Sơn sử dụng nguồn vốn vay bằng ngoại tệ để tiết kiệm chi phí vốn vay. Hiện Công ty vay vốn bằng ngoại tệ (ngắn hạn) chỉ với lãi suất khoảng 3%/năm, trong khi nếu vay tiền đồng, lãi suất cao hơn gấp đôi, gấp ba…
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ, nhất là các nhà nhập khẩu, do không có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả cho ngân hàng. Trước đó, Thông tư 24/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định việc vay vốn bằng ngoại tệ kết thúc vào ngày 31/3/2016 và sau đó, NHNN đã mở lại nguồn vốn này từ ngày 1/6/2016 qua Thông tư 07/2016. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp cũng chưa dám vay do lo sợ rủi ro tỷ giá, thậm chí có doanh nghiệp còn trả nợ trước vì lo USD tăng giá.
Quãng nửa đầu năm 2016 là thời điểm thế giới diễn ra nhiều sự kiện lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, khiến các đồng tiền biến động mạnh. Các thống kê cho thấy, cầu ngoại tệ 6 tháng đầu năm nay là thấp. Chẳng hạn, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 970 triệu USD và xăng dầu giảm 507 triệu USD.
Còn theo số liệu từ NHNN, từ đầu năm đến hết tháng 9, cơ quan này đã mua được khoảng 11 tỷ USD, nâng tổng mức dự trữ ngoại hối của quốc gia lên hơn 40 tỷ USD. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn luôn có nhu cầu vay vốn ngoại tệ để tiết giảm chi phí tài chính, cho dù nhận thấy tiềm ẩn rủi ro tỷ giá, nhất là khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất đồng USD trong tháng 12 tới.
Trên thực tế, dù lãi suất huy động USD đã được đưa về 0%/năm, các ngân hàng vẫn đẩy mạnh huy động ngoại tệ để cho vay và kinh doanh. Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu (nhưng có nhập khẩu nguyên liệu) cho rằng, dù lãi suất cho vay VND đã giảm so với 2 năm trước, nhưng áp lực lãi suất vẫn là rào cản. Vì thế, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu có nhu cầu vay vốn vẫn chủ yếu chọn vay ngoại tệ để tránh chi phí lãi vay cao.
Mặc khác, thời gian qua, việc NHNN ổn định lãi vay USD ở mức thấp, từ 3-3,5%/năm, đã phần nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đổi lại, rủi ro biến động tỷ giá được kiểm soát. Tuy nhiên, để vay được vốn ngoại tệ lại không hề dễ dàng. Đó cũng là nguyên nhân khiến tín dụng ngoại tệ giảm mạnh thời gian qua.
Số liệu của Cục Thống kê TP. HCM cho thấy, tính đến đầu tháng 8/2016, tổng vốn huy động bằng ngoại tệ trên địa bàn Thành phố chiếm 12,7% trong tổng vốn huy động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ bằng ngoại tệ đạt 133.600 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng dư nợ, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2015.
Theo Thông tư 07/2016, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh ngoại hối xem xét quyết định cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Đồng thời, Thông tư 07/2016 cũng quy định, các khách hàng này phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.