Vốn ngoại vào quỹ PE mạnh không kém ETF

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với động thái bán ròng trên sàn, dòng vốn ngoại có xu hướng chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và gần đây là các quỹ đầu tư tư nhân (private equity - PE).
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Dòng vốn chảy vào ETF

Từ đầu năm đến nay, thêm nhiều quỹ ETF nội được thành lập, như VFMVN Diamond, SSIAM VNFinlead, VN100, SSIAM VN30 - quỹ thứ hai dựa trên chỉ số VN30 do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI - SSIAM quản lý (trước đó đã có Quỹ VFMVN30 do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam - VFM quản lý) và Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset lên kế hoạch lập quỹ ETF dựa trên chỉ số này.

Không chỉ làm đa dạng sản phẩm, các quỹ ETF còn giúp thu hút mạnh mẽ dòng vốn thụ động nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam.

Gần đây nhất, nguồn tin của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho biết, CTBC Investments đã huy động được khoảng 170 triệu USD cho Quỹ CTBC Vietnam Equity Fund, với mục tiêu đầu tư tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF VN Diamond. Dòng vốn này tương đương với gần 75% quy mô quỹ ETF nội hiện tại là VFMVN30 .

Sức hút của các quỹ ETF, đặc biệt là VFMVN Diamond được nhiều ý kiến cho rằng phù hợp với dòng vốn ngoại, khi danh mục đầu tư là các cổ phiếu đã kín tỷ lệ sở hữu tối đa (room) dành cho các nhà đầu tư nước ngoài (ETF không bị hạn chế về room).

Dữ liệu giao dịch khối ngoại cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn có động thái bán ròng ở thị trường Việt Nam, nhưng có xu hướng đổ vào các quỹ ETF ngoại, nhất là Quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (V.N.M) tăng quy mô vốn thêm 27 triệu USD trong tháng 7 và 8.

Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại trong 6 tháng qua.

Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại trong 6 tháng qua.

Các quỹ ETF nội cũng tăng quy mô vốn sau thời gian niêm yết trên thị trường như VFMVN Diamond đạt 134,8 triệu đơn vị chứng chỉ quỹ, gấp hơn 13 lần số lượng lúc mới niêm yết tháng 5/2020 (10,2 triệu chứng chỉ quỹ).

Quy mô tài sản ròng của quỹ này đạt khoảng 1.684 tỷ đồng tính đến ngày 27/8. Các quỹ khác như SSIAM VNFinlead cũng tăng số lượng chứng chỉ quỹ bằng lần so với lúc mới niêm yết.

Trước đó, dòng vốn ngoại đổ vào ETF VFMVN30 mạnh mẽ trong giai đoạn 2017 - 2019, lên đến 6.000 tỷ đồng. Tổng tài sản các quỹ do VFM quản lý hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 70% là các quỹ ETF.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, một số thành viên thị trường cho biết, không ít công ty quản lý quỹ mở đang có kế hoạch mở thêm quỹ ETF. Trên thế giới và cả Việt Nam, ETF đang là xu hướng, nên họ nắm bắt nhu cầu, từ đó điều chỉnh, thay đổi giỏ sản phẩm để phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư ngoại.

Với ETF, các nhà đầu tư ngoại có thể giải ngân vào rổ sản phẩm các cổ phiếu hết room, có thể ra - vào dễ dàng, trong khi danh mục đầu tư rõ ràng, báo cáo minh bạch và phí không cao.

Quỹ PE cũng thu hút vốn

Quỹ ETF không rót vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, mà dòng vốn đi vào thông qua thị trường chứng khoán.

Do đó, một bộ phận nhà đầu tư muốn chủ động hơn trong khoản đầu tư nên rót vốn vào các quỹ PE, vừa tham gia góp vốn, vừa tham gia chiến lược, điều hành cùng doanh nghiệp, dù có những trường hợp phải chia tay vì bất đồng quan điểm giữa nhà đầu tư và ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu gọi vốn lớn, mong muốn thu hút được các quỹ PE.

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành quỹ ETF, SSIAM cho biết, các quỹ PE mở mới đang hoạt động sôi động tại thị trường Việt Nam.

Có quỹ chuyển từ trọng tâm đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết sang đầu tư như các quỹ PE, chẳng hạn Quỹ VOF của VinaCapital, hay một số quỹ mới huy động của Mekong Capital.

Tại SSIAM, Công ty dự kiến sẽ có thêm quỹ PE trong năm 2020.

Các quỹ ETF có lợi thế là huy động được tiền từ nhà đầu tư nhỏ lẻ ở các thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Ðài Loan và có thể dễ dàng huy động cũng như nâng quy mô tài sản quản lý.

Còn các quỹ PE cần dòng tiền từ nhà đầu tư lớn và cam kết đầu tư lâu dài, nên đối tượng nhà đầu tư hạn chế hơn. Nhưng cả 2 loại hình quỹ này đều thu hút nhà đầu tư và phát triển mạnh ở Việt Nam.

Thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, SSIAM ghi nhận các nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư khác nhau, trong đó có mảng PE. Ðối với nhóm các nhà đầu tư này, họ tìm các cơ hội bằng cách góp vốn vào quỹ (thường có thời gian dài từ 8 - 10 năm).

Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư tổ chức, họ tìm thêm cơ hội cùng đầu tư (co-invest) với các quỹ PE trong một số thương vụ lớn. Ít có nhà đầu tư “đặt hàng” riêng biệt, ngoại trừ các doanh nghiệp đa quốc gia có nhu cầu mua bán - sáp nhập (M&A) thường trực tiếp thực hiện thương vụ, hoặc thông qua đơn vị tư vấn/dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB).

Năm nay, trong bối cảnh hoạt động khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp cần vốn để củng cố năng lực tài chính nhằm vượt qua giai đoạn này, trong đó có huy động vốn trái phiếu.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc SSIAM cho biết, chi phí huy động qua kênh trái phiếu khá cao, phổ biến từ 9 - 11%/năm, nhưng khối lượng phát hành tăng trong thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp tư nhân cho rằng chi phí vay nợ này thấp hơn so với việc phát hành vốn cổ phần, tức cổ phần của họ giá trị hơn so với mức người mua có thể trả.

Cũng có thể doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phát hành cổ phần, do chưa đủ điều kiện hoặc một số lý do khác.

Trong khi đó, thủ tục/điều kiện phát hành trái phiếu dễ dàng hơn so với phát hành cổ phiếu.

Như vậy, cơ hội đầu tư PE bị thu hẹp khi các doanh nghiệp tư nhân lựa chọn huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên, với các trường hợp huy động vốn cổ phần, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong việc lựa chọn và thẩm định.

Ông Dũng nhận định, giai đoạn 2020 - 2021, dòng vốn đầu tư PE có nhiều cơ hội với các ngành nghề bám sát nhu cầu tiêu thụ của người dân như hàng tiêu dùng, bán lẻ, y tế, giáo dục và một số ngành đặc thù như năng lượng sạch/tái tạo, kho bãi, vận tải.

Xu hướng số hoá và mua sắm online cũng mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (mảng hạ tầng hay thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế, công nghệ giáo dục).

Nhưng thách thức vẫn nằm ở kỳ vọng định giá cao của chủ doanh nghiệp và khả năng hài hoà lợi ích hai bên với các vấn đề cụ thể như mức độ chia sẻ thông tin, mức độ tham gia trong quản trị và điều hành, các điều khoản bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, khả năng hỗ trợ thực tế của quỹ tới doanh nghiệp về vận hành, nhân sự, chiến lược...

Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, coi kinh tế tư nhân là động lực trong phát triển kinh tế đã giúp khối khối doanh nghiệp tư nhân vươn lên, làm tăng sức hút vốn đầu tư vào khối này.

Ðể tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại chảy vào các doanh nghiệp, môi trường pháp lý cần tiếp tục được cải thiện, các chính sách/quy định luật pháp hướng tới sự minh bạch, nhất quán và thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, giới hạn sở hữu và các chính sách thuế nếu có giải pháp, chính sách hợp lý hơn sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục