Kỳ vọng dòng vốn ngoại sớm quay lại

(ĐTCK) Sau chuỗi bán ròng 5 tháng qua, giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu tích cực hơn, kỳ vọng khối ngoại sẽ bắt đầu mua ròng trở lại trong những phiên cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Từ đầu tháng 12 tới nay, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhưng lực bán không mạnh trong những phiên gần đây, thậm chí phiên đầu tuần này còn mua ròng.

Trước đó, trong tháng 11, khối ngoại bán ròng hơn 947 tỷ đồng, giảm 38,2% so với tháng 10.

Mặc dù vậy, 2 quỹ ETF ngoại lớn nhất thị trường là V.N.M ETF và FTSE ETF bắt đầu thực hiện tái cơ cấu danh mục định kỳ hàng quý, nên thị trường nhiều khả năng vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động mua/bán của khối ngoại.

Theo đó, động thái cơ cấu danh mục và bán ra ở nhiều cổ phiếu lớn có thể sẽ chỉ dừng lại vào cuối tháng 12.

Hoạt động bán ròng gần 5 tháng qua khiến giá trị mua ròng lũy kế kể từ đầu năm đến nay giảm dần.

Thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, từ đầu năm đến ngày 13/12, khối ngoại mua ròng 8.244 tỷ đồng trên sàn HOSE, chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận, nhưng tính riêng giao dịch khớp lệnh thì lại bán ròng 1.562 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều gồm dầu khí (2.600 tỷ đồng), ngân hàng (1.774 tỷ đồng), bất động sản (515 tỷ đồng), trong khi bán ròng ở nhóm dịch vụ (1.442 tỷ đồng), thực phẩm (1.219 tỷ đồng), chứng khoán (657 tỷ đồng), Vingroup (478 tỷ đồng)…

Gần đây, không chỉ thị trường Việt Nam, dòng vốn quốc tế cũng đang ghi nhận động thái bán ròng ở nhiều thị trường khác.

Giai đoạn cuối năm ngoái, thị trường chứng khoán khá ảm đạm, bên cạnh thanh khoản thấp, các chỉ số giảm điểm, thì giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài góp phần ảnh hưởng đến thị trường khi chủ yếu bán ra các cổ phiếu bluechip.

Hiện tại, thị trường lo ngại kịch bản này có thể lặp lại. MBS dự báo, có thể phải sang đầu năm 2020, khối ngoại mới quay trở lại mua ròng.

Thực tế, trong một số phiên giao dịch đầu tháng 12, chỉ số chứng khoán có diễn biến tăng, một phần do khối ngoại có động thái mua ròng trở lại.

Tuy nhiên, lực cầu nội vẫn đang khá yếu, nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng sẽ tạo áp lực giảm điểm cho VN-Index.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hoạt động của khối ngoại vốn dĩ bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh những kỳ vọng từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung thì trong tuần này, Quỹ V.N.M ETF và FTSE ETF thực hiện đợt tái cơ cấu vào ngày 20/12, một ngày sau khi hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng đáo hạn (19/12).

Sự cộng hưởng của 2 yếu tố này sẽ khiến nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực thì dòng tiền mới, nhất là dòng tiền nước ngoài, được kỳ vọng sẽ cải thiện.

Việc ba chỉ số mới của sàn HOSE đi vào vận hành, bao gồm VN Diamond Index, VN Fin Lead và VN Fin Select là tiền đề cho sự ra đời của các quỹ ETF mới.

Xu hướng dòng vốn trên toàn cầu cũng đang tích cực hơn với cổ phiếu và thị trường mới nổi, do lãi suất giảm và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ khởi sắc.

Sau đợt giảm mạnh kể từ đầu tháng 11 đến nay, hệ số P/E trailing của VN-Index hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019.

Giá thấp sẽ thúc đẩy dòng tiền giải ngân, đặc biệt hướng tới nhóm cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh quý IV/2019 và năm 2020 tích cực.

Do đó, thị trường kỳ vọng vào sự hồi phục của VN-Index, nhưng các nhịp giằng co tích lũy có thể xuất hiện trong quá trình này.

Diễn biến tại các thị trường cận biên hay mới nổi như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Ấn Độ, hay Việt Nam trong nửa năm trở lại đây đang đại điện cho làn sóng tái cơ cấu danh mục, đánh giá lại cơ hội đầu tư và mức rủi ro tương ứng.

So sánh với nhiều thị trường trong khu vực, Việt Nam duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư được cải thiện, cùng với triển vọng nâng hạng trong 1 - 2 năm tới…, nên sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại.

“Sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô là tiền đề để tôi kỳ vọng dòng tiền trở lại với thị trường sau quá trình đánh giá lại rủi ro vào cuối năm 2019 và bước sang 2020”, ông Linh nói.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục