Vốn ngoại sẽ vẫn chọn Việt Nam

(ĐTCK) Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra sẽ tác động mạnh mẽ tới thương mại trong khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung. 
Vốn ngoại sẽ vẫn chọn Việt Nam

Việt Nam đang đa dạng hóa hơn thị trường xuất khẩu và kỳ vọng nhiều ở các hiệp định thương mại Việt Nam - EU; Hiệp định CPTPP. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ có tác động nhưng không đáng kể. Vấn đề cần chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh có thể khiến nợ xấu gia tăng.

Chúng tôi không nhận thấy rủi ro nào lớn trong năm 2018, nhưng cũng cần chú ý lĩnh vực thương mại có chứa đựng nguy cơ rủi ro cao. Rủi ro đến từ sự không chắc chắn trong hành động của Mỹ và Trung Quốc trước cuộc chiến tranh thương mại gia tăng giữa hai nước.

Vốn ngoại sẽ vẫn chọn Việt Nam ảnh 1

Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Bản Việt 

Nói riêng vấn đề về thuế thép và nhôm thì quyết định của Tổng thống Mỹ không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Hai mặt hàng này xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, cũng sẽ không có rủi ro về việc các nước vì bị Mỹ áp thuế sẽ đổ dồn sang Việt Nam. Chẳng hạn, thép Trung Quốc vẫn đang bị đánh thuế chống bán phá giá ở Việt Nam đến năm 2022. Chưa kể, Trung Quốc có thể áp thuế ngược lại lên hàng Mỹ, điều này khiến hàng Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường Trung Quốc và không loại trừ khả năng, người tiêu dùng sẽ chuyển hướng qua dùng hàng Việt Nam, chẳng hạn như nông sản, trái cây. Dù vậy, nếu Mỹ tiếp tục bảo hộ thương mại đối với các mặt hàng khác thì ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ lớn hơn.

Về tác động của việc FED tăng lãi suất, theo chúng tôi, dòng vốn nước ngoài không bị rút ra và tỷ giá không ảnh hưởng nhiều. Điều này có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lịch tăng lãi suất đã được dự báo trước và phản ánh phần nào vào thị trường.

Thứ hai, lãi suất của Mỹ thấp hơn của Việt Nam, thuộc dạng cao nhất trong khu vực sau khi điều chỉnh lạm phát. Ngoài ra, dòng vốn ngoại, phần lớn là vốn FDI chảy vào Việt Nam như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu.

Chúng tôi cũng cho rằng, danh mục đầu tư vào TTCK Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng. Các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy hấp dẫn bởi các doanh nghiệp niêm yết mới; hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Từ đầu năm 2017 đến nay, dòng vốn ngoại ròng vào thị trường khoảng 1,75 tỷ USD. FED tăng lãi suất sẽ không thay đổi xu hướng này.

Khu vực bị ảnh hưởng nhất khi FED tăng lãi suất là thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, khối ngoại hiện chỉ nắm 5,3% trái phiếu Chính phủ và hầu hết đó là khoản đầu tư của các chi nhánh ngân hàng ngoại đặt tại Việt Nam, nên tác động chung là không lớn.

Trong bức tranh kinh tế vĩ mô, vấn đề cần theo dõi là tăng trưởng tín dụng. Trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng Việt Nam hơn 15%. Cuối năm 2017, tổng tín dụng trong nước là 130% GDP. Năm 2011, việc tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đã khiến lạm phát lên đến 18,1%. Hiện tăng trưởng tín dụng không cao như trước, miễn là duy trì dưới mức 20% thì tôi cho rằng, không có nguy cơ về lạm phát.

Tuy nhiên, nguy cơ về nợ xấu đang tăng. Hầu hết các ngân hàng vừa hoàn tất bán nợ cho VAMC để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (không tính khoản nợ đã bán cho VAMC).

Việc tăng trưởng tín dụng nhanh hơn 2,5 lần tốc độ tăng GDP cũng dẫn đến rủi ro nợ xấu. Những ngân hàng nào có chuẩn cho vay thấp và thu nhập ngoài lãi cao sẽ gặp nhiều rủi ro khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020. 

Barry Weisblatt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục