Vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng

(ĐTCK) Ngành tài chính - ngân hàng Việt luôn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi cổ phiếu “vua” đang thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ room ngoại còn lại tại ngân hàng không nhiều.
Thị trường đang chờ đợi thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc sớm hoàn tất

Nhà đầu tư ngoại mạnh tay rót vốn

Giới phân tích tài chính nhận định, cùng với dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam gia tăng năm nay, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Sự kỳ vọng này được đánh giá là hoàn toàn có cơ sở khi mới chỉ qua 2 tháng đầu năm 2019 đã có nhiều tín hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, đầu năm 2019, Vietcombank (VCB) đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD).

VCB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 37.088 tỷ đồng, đẩy nhanh kế hoạch trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Tuy vậy, trong kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 26/4/2019, ngân hàng này tiếp tục trình cổ đông tăng thêm vốn. Bởi lượng cổ phần có giá trị lớn đã phát hành cho cổ đông ngoại nói trên cũng chỉ mới chiếm khoảng 30% trong tổng kế hoạch phát hành cổ phiếu của VCB.

Do đó, phần còn lại rất có thể được thực hiện trong thời gian tới. Lần tăng vốn năm nay có thể VCB sẽ thực hiện qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức.

Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch nới room ngoại trước khi lên sàn
Thị trường cũng đang chờ đợi thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc sớm hoàn tất. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược KEB Hana với mức 17,65% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 15% vốn sau phát hành và thương vụ sẽ được hoàn tất trong năm 2019 này.

Ngoài ra, với VietinBank, ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group - MUFG cho biết, là cổ đông chiến lược của VietinBank, MUFG sẵn sàng hỗ trợ Ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Việc này hết sức cấp thiết, mong Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.

Tại buổi gặp gỡ Thống đốc NHNN ngày 29/3/2018, ông Richard F.Chandler, Chủ tịch Tập đoàn Clermont cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trong khi đó, Srisawad Corporation (Thái Lan) đề nghị tham gia tái cơ cấu lại Công ty Cho thuê tài chính I của Agribank (ALC I). Định chế tài chính này đề xuất trả cho Agribank 523 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ vốn của ALC I. Trong đó, 200 tỷ đồng là hoàn trả vốn điều lệ và phần còn lại là nợ gốc ALC I đã vay của Agribank.

Đối với việc cơ cấu lại ALC I, NHNN cho biết đang nghiên cứu, xem xét đề nghị của Agribank để giải quyết các vấn đề liên quan. Phương án cơ cấu lại ALC I hiện vẫn chưa được phê duyệt. Đề nghị của đối tác Thái Lan sẽ được xem xét xử lý sau khi thông qua phương án cơ cấu.

Cơ hội vẫn còn bỏ ngỏ cho Srisawad Corporation cũng như các đối tác khác. Tình hình tài chính của ALC I khá xấu và bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Báo cáo tài chính của Agribank cho biết tại ngày 31/12/2017, ALC I đang lỗ lũy kế 714 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bị âm 437 tỷ đồng.

Không chỉ các nhà băng lớn mới thu hút sự quan tâm của cổ đông ngoại mà với sức hút của ngành ngân hàng Việt, cùng với đó là áp lực tăng vốn tiến tới áp chuẩn Basel II gia tăng nên trong kế hoạch đưa ra năm nay, nhiều nhà băng tập trung mục tiêu tiếp tục hút vốn ngoại. Ngân hàng OCB, Nam A Bank cho hay, sẽ mở cửa thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2019 này.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết. Năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 5.000 tỷ đồng, song chưa hoàn tất nên nhà băng sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2019 này. Nguồn tài chính được chờ đợi là vốn nước ngoài.

Trong khi đó, tại OCB, hiện room ngoại chỉ mới chiếm 5% trong tổng số 30% quy định nên còn nhiều cơ hội cho cổ đông ngoại.

Về sức cầu, các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn được tham gia đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, song quy định room tối đa cho các tổ chức nước ngoài tại ngân hàng Việt 30% vẫn là hạn chế lớn. Vì thế, những ngân hàng còn room luôn được săn đón, nhất là với các nhà băng có kế hoạch chuẩn bị niêm yết trên sàn.

Trong năm qua, một số nhà băng triển khai kế hoạch lên sàn như HDBank, VPBank, Techcombank đã chào bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế thu về hàng trăm triệu USD, thậm chí khối lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán.

Cụ thể, HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trước khi niêm yết đầu năm 2018. Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ được hoàn thành tới đây cũng giúp room ngoại đang được lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này được cho là sẽ làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank.

Tương tự, Techcombank đã bán cổ phần cho Warburg Pincus thu về 370 triệu USD trước niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018. Tại ACB, sau khi Standard Chartered Bank thoái vốn đã nhanh chóng được nhóm Alp Asia Finance Limited nhận chuyển nhượng lại và chính thức trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ACB. Vì vậy, theo HSC, ACB có thể bán 41,4 triệu cổ phiếu quỹ để cải thiện CAR trước năm 2020.

Chờ đợi nới room ngoại

Giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động ngành ngân hàng đang vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng. Do đó, vấn đề nới room lĩnh vực này rất được các nhà đầu tư ngoại quan tâm. Theo giới phân tích tài chính, việc nới room lĩnh vực này có sự kiểm soát của Chính phủ nên không đáng lo ngại.

Dù room có được nới lên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài thì ngành ngân hàng vẫn chịu sự kiểm soát của Chính phủ, NHNN Việt Nam, nhà đầu tư ngoại khó có thể chi phối hoàn toàn. Vì thế, các ngân hàng trong nước cũng kỳ vọng được nới room, nhất là khi nhiều nhà băng đã không còn dư địa để hút thêm vốn ngoại nhằm tiến tới áp chuẩn Basel II.

Trong suốt thời gian dài kể từ khi ngành ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn tái cơ cấu, cổ phiếu ngân hàng không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại “thời thế” đã khác, cổ phiếu ngân hàng lại được tranh mua.

Sau khi chia thay HSBC Việt Nam, Techcombank lấp kín room ngoại khi vừa bán cổ phần cho Warburg Pincus.

Tương tự, sau khi nhóm Alp Asia Finance Limited (nhận chuyển nhượng lại từ Standard Chartered Bank) trở thành cổ đông lớn,  room ngoại tại nhà băng hiện đã đạt mức tối đa 30%, khối ngoại chỉ có thể gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối.

Vì cùng với 2 quỹ của Alp Finance Limited, còn có 3 quỹ nữa nhận chuyển nhượng từ Standard Chartered là Estes Investments Limited (nhận 38,5 triệu cổ phiếu ACB), Boardwalk South Limited (nhận 154.100 cổ phiếu ACB) và Estes Investmnets Limited (nhận 12,7 triệu cổ phiếu ACB).

Thêm vào đó, Dragon Financial Holdings Limited mua vào số cổ phần tương tự, qua đó nâng lượng nắm giữ lên gần 70 triệu cổ phần, tương ứng 7,1% vốn của ACB.

Do đó, trong đợt tăng vốn điều lệ từ hơn 11.259 tỷ đồng lên 12.886 tỷ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối mới đây của ACB, NHNN yêu cầu ACB giữ “room” ngoại không vượt mức 30% khi tăng vốn.

VIB chốt room ngoại 20,5%, vì nhà băng này đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Commonwealth Bank of Australia nắm giữ 20%. Hiện room ngoại tại VIB còn 10%, nhưng với mức room ngoại bị giới hạn, cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của VIB là khá thấp.

Có thể nói, sau một thời gian dài kể từ thời điểm bước vào “cuộc đại phẫu” sau khủng hoảng năm 2008, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến những đợt chào bán cổ phần có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá mức 30%. Hiện không ít ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, song bên cạnh đó cũng có ngân hàng còn nguyên room, một phần do vừa chia tay với cổ đông ngoại.

Tuy nhiên, với tỷ lệ cổ phần sở hữu tối đa 20% đối với một tổ chức và không thể vượt 30% cho các nhà đầu tư nước ngoài được cho là không thể chi phối được các quyết định lớn là lý do các nhà đầu tư ngoại muốn được nới thêm room.

Tuy nhiên, tại ngân hàng đang tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay đối với 3 ngân hàng 0 đồng thì còn nhiều cơ hội cho nhà đầu tư ngoại.

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu, Ngân hàng đã lên kế hoạch gọi thêm vốn ngoại, với tỷ lệ vượt trên 50% và đã được chấp thuận về chủ trương. SCB đang trong quá trình đàm phán với các đối tác ngoại.

Theo ông Văn, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào SCB, song để tìm được nhà đầu tư cùng chiến lược kinh doanh, chung mục tiêu đẩy mạnh ngân hàng phát triển thì cần có thời gian tìm hiểu trước khi quyết định.

LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 25%. Theo đó, Ngân hàng sẽ dành 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có sự gắn bó và đồng hành lâu dài.

Trong đó, mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mà LienVietPostBank hướng đến là tổ chức có kinh nghiệm và năng lực thực tế trong hợp tác, cùng thúc đẩy Ngân hàng sớm thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, đưa LienVietPostBank vào tốp đầu các ngân hàng hiện đại.

Với OCB, hiện room ngoại còn 23,66% và Ngân hàng đang lên kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại trước khi niêm yết cuối năm nay. Trước đó, đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas đã thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây. Việc BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB là một thông tin khá bất ngờ với thị trường, nhất là trong xu thế nhiều nhà đầu tư ngoại muốn nhảy vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại mới. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này hiện là 4,98% vốn điều lệ do một quỹ của VinaCapital nắm.

Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho sự trở lại của ngành ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn hướng tới đáp ứng chuẩn mực Basel II vào đầu năm 2020. Ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất thị trường cũng đang phải rất nỗ lực trong quá trình tăng vốn cấp 1. Vì thế, nhiều ngân hàng thương mại liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho nhà đầu tư ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's cũng đưa ra đánh giá rằng, hầu hết các ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng Việt trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.

Tuy nhiên, Moody's cho biết, các ngân hàng Việt được hãng này xếp hạng đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn. Vì thế, theo giới phân tích tài chính, điều này sẽ tiếp tục là sức hút đối với vốn ngoại.

Phương Linh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục