Đẩy mạnh sự hiện diện vật lý
Tháng 8/2018, Ngân hàng TNHH một thành viên United Overseas Bank (UOB) thông báo thành lập ngân hàng con UOB Việt Nam theo giấy phép được cấp ngày 21/9/2017, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và thời hạn hoạt động 99 năm.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là một thị trường chiến lược quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Việc đầu tư vào ngân hàng con sẽ giúp củng cố và mở rộng hoạt động của UOB tại Việt Nam”, ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của UOB cho biết.
Cũng trong tháng 8/2018, Ngân hàng TNHH một thành viên Public Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận mở thêm 3 chi nhánh bao gồm chi nhánh Cầu Giấy tại Hà Nội, chi nhánh Bình Thạnh tại TP.HCM, chi nhánh Thanh Khê tại TP. Đà Nẵng và 2 phòng giao dịch tại Quận 2 và Quận Tân Bình, TP.HCM.
Các ngân hàng của Hàn Quốc cũng gia tăng hoạt động khi Woori Bank ngày 18/9/2018 nhận quyết định từ NHNN về việc sửa đổi mức vốn điều lệ thành 4.600 tỷ đồng tại giấy phép của Ngân hàng TNHH Một thành viên Woori Việt Nam. Sau khi mua mảng bán lẻ của ANZ, Tập đoàn tài chính Shinhan đã hoàn tất mua Công ty tài chính Prudential Việt Nam với giá ước tính gấp 5,52 lần vốn điều lệ.
Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam với việc khai trương chi nhánh mới tại Quận 7, TP.HCM. Ông Bill Winters, Tổng giám đốc toàn cầu Standard Chartered chia sẻ: “Standard Chartered cam kết thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và tạo dựng sự thịnh vượng tại Việt Nam, nơi Ngân hàng đã có hơn 110 năm lịch sử hoạt động. Chúng tôi không ngừng củng cố và tăng cường năng lực kinh doanh cũng như các nguồn lực tại Việt Nam để đảm bảo phục vụ hiệu quả cho nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Việc thành lập chi nhánh mới khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với khách hàng cũng như cam kết lâu dài với thị trường
Việt Nam”.
Sẵn sàng tài trợ dự án lớn, tư vấn phát hành cổ phần ra nước ngoài
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC cho biết, năm 2018 là năm thành công của HSBC trong 23 năm hoạt động tại Việt Nam. Chiến lược của Ngân hàng tập trung vào khách hàng trọng điểm là các doanh nghiệp FDI, bởi nhóm khách hàng này vào Việt Nam rất mạnh và muốn sử dụng dịch vụ tại nước sở tại, bên cạnh đó là các doanh nghiệp Việt có quy mô phát triển ra nước ngoài.
“Trước đây, Ngân hàng chủ yếu hỗ trợ khoản vay ngắn hạn, nhưng hiện nay, HSBC đẩy mạnh các khoản vay trung và dài hạn, tài trợ dự án, tư vấn phát hành cổ phần ra nước ngoài. Ví dụ, tháng 10/2018, VinFast đã được Euler Hermes, Cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức, bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Giao dịch do Credit Suisse AG và HSBC đồng thu xếp. Đây cũng là xu hướng mà HSBC muốn tiếp tục làm, không chỉ giúp doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, mà còn muốn giúp doanh nghiệp Việt phát triển ra ngoài khu vực”, ông Hải nói.
Tháng 9/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN) đã phát hành thành công đợt trái phiếu đầu tiên trị giá 1.135 tỷ đồng với lãi suất cố định. Đợt phát hành được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF), một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA và được thu xếp phát hành bởi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.
“Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp như PAN tham gia vào thị trường vốn để đa dạng hóa nguồn vốn. Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ chiếm gần 10% các đợt phát hành trên thị trường vốn Việt Nam, trong đó Chính phủ hỗ trợ hầu hết các giao dịch. Đợt phát hành trái phiếu của PAN thể hiện nỗ lực không ngừng của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Standard Chartered và CGIF, nhằm phát triển thị trường vốn trong nước, qua đó khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu như một phương án huy động vốn hiệu quả. Chúng tôi hân hạnh hỗ trợ cho PAN trong đợt phát hành này”, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, Trưởng nhóm Công tác ngân hàng (BWG) chia sẻ.
Số hóa: Sẵn sàng chinh phục những giới hạn mới
Ông Hải cho biết, năm 2018 được HSBC đẩy mạnh xu hướng số hóa, đưa công nghệ số tới khách hàng. Đối với khách hàng doanh nghiệp là một loạt giải pháp mới lần đầu tiền vào Việt Nam như Face ID để vào Internet Banking hay Trade transaction tracker giúp khách hàng theo dõi toàn bộ thanh toán LC, vay trên Mobile Banking… Với sự hợp tác cùng Payoo, kể từ ngày 15/1/2018, khách hàng cá nhân muốn thanh toán thẻ tín dụng HSBC không còn phải qua chi nhánh hay máy Multifunctional ATM để nộp tiền, mà thanh toán bằng thẻ tín dụng đến 5.000 điểm trên toàn quốc tại bất kỳ thời điểm nào.
“Định hướng của HSBC sẽ đưa thêm nhiều số hóa để giúp khách hàng có thể tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng hiệu quả sử dụng. Chiến lược của HSBC không làm đại trà, mà tập trung vào một số nhóm khách hàng trọng điểm có thể mạnh cạnh tranh, tạo sự khác biệt”, ông Hải nói.
Với Standard Chartered, ông Nirukt chia sẻ, chiến lược của Ngân hàng trong việc áp dụng công nghệ 4.0 cũng như trí tuệ nhân tạo và blockchain trong việc quản lý và vận hành hệ thống là tiếp tục ứng dụng những công nghệ này để mang đến lợi ích cho khách hàng, cũng như thúc đẩy sự sáng tạo. Thông qua việc sử dụng các công nghệ đám mây nhằm tạo ra các dịch vụ hiệu quả hơn về mặt chi phí, đưa trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu và hành vi của khách hàng, hợp tác với các đơn vị blockchain, Standard Chartered muốn khẳng định rằng, Ngân hàng rất quan tâm và sẵn sàng chinh phục những giới hạn mới.
“Ví dụ, Standard Chartered đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý rủi ro liên quan tới các quyết định cho vay, quản lý danh mục và phòng chống lừa đảo. Bên cạnh đó, chúng tôi đang trong quá trình phát triển thêm các ứng dụng khác. Standard Chartered đã, đang và sẽ đầu tư vào công nghệ và các hoạt động sáng tạo”, ông Nirukt nhấn mạnh.
Cam kết hiện diện lâu dài
Ngày 13/8/2018, ANZ thông báo về việc bà Jodi West được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ANZ Việt Nam. Nhân sự kiện này, ông Farhan Faruqui, Tổng giám đốc ANZ khu vực quốc tế cho biết, Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của ANZ đối với khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính trong khu vực. Bà Jodi sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh hoạt động của ANZ tại Việt Nam, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngân hàng cùng với kinh nghiệm quản lý, mạng lưới khách hàng và những am hiểu sâu sắc về sản phẩm.
Ông Farhan nhận định: “Việt Nam thực sự chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một câu chuyện thành công của châu Á, vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một trong những thị trường thu hút đầu tư vốn nước ngoài hấp dẫn nhất và là trung tâm sản xuất lớn trong khu vực. ANZ vinh dự khi được chứng kiến và góp một phần vào câu chuyện thành công này của Việt Nam trong những năm qua”.
Ông Nirukt cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam nói chung, NHNN nói riêng trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính - ngân hàng lành mạnh và bền vững, coi đây là một trong những nền tảng để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại trong tương lai.
“FDI vào Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ. Là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã có mặt lâu năm ở Việt Nam và là những cầu nối thu hút đầu tư vào Việt Nam, các thành viên của BWG sẽ tiếp tục ở đóng vai trò như là đại sứ thương hiệu cho Việt Nam, chia sẻ những câu chuyện thành công của Việt Nam đối với các khách hàng, những nhà đầu tư toàn cầu đang muốn tìm kiếm những nơi phù hợp để đầu tư”, ông Nirukt nói.
9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài bao gồm HSBC (Hồng Kông - Thượng Hải), ANZ (Úc), Standard Chartered (Anh), Shinhan (Hàn Quốc), Hong Leong (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia), Woori (Hàn Quốc), CIMB (Malaysia) và UOB (Singapore).
2 ngân hàng liên doanh là Ngân hàng TNHH Indovina, Ngân hàng Việt - Nga và khoảng 50 ngân hàng khác đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.