Theo số liệu thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), từ đầu năm đến hết ngày 19/12, khối ngoại mua vào hơn 339 triệu đơn vị với tổng giá trị 157.000 tỷ đồng, bán ra 314 triệu đơn vị, giá trị 135.000 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại mua ròng 25 triệu đơn vị với giá trị 22.000 tỷ đồng.
Trong 11 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng 9 tháng và bán ròng trong 2 tháng (tháng 9 và tháng 10). Riêng trong tháng 12, đến hết ngày 19/12, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng cổ phiếu.
Diễn biến tương tự diễn ra trên sàn HNX. Tính chung từ đầu năm, nhà đầu tư duy trì xu hướng mua ròng, nhưng tính riêng tháng 12, tính đến hết ngày 19/12, khối ngoại bán ròng hơn 24,2 tỷ đồng.
Sàn UPCoM lại có một diễn biến khác. Trong 20 phiên giao dịch của tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào tổng giá trị 362,4 tỷ đồng, bán ra 212,6 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng gần 150 tỷ đồng. Nhà đầu tư có dấu hiệu “gom hàng” ở những mã cổ phiếu vốn hóa lớn như ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, GEX của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, KDF của CTCP Thực phẩm đông lạnh Kido…
Ðiểm chung của hầu hết các cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại săn đón này nằm trong diện thoái vốn Nhà nước gắn với câu chuyện niêm yết trong thời gian tới. Cụ thể, HVN dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE trong quý I/2018. Với GEX, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc GEX cho biết, Công ty nộp hồ sơ thủ tục niêm yết trên HOSE và chờ ngày chuyển sàn.
Trong khi ACV là một cái tên được nhà đầu tư chú ý thời gian gần đây bởi thông tin Bộ Công thương dự kiến sẽ thoái 20% vốn tại doanh nghiệp độc quyền khai thác 22 cảng hàng không tại Việt Nam này.
Tại sao vốn ngoại hướng sự chú ý vào sàn UPCoM? Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các cổ phiếu bluechips trên sàn niêm yết đều đã tăng giá mạnh, đưa cổ phiếu lên mặt bằng không còn rẻ. Trong khi đó, sàn UPCoM vẫn còn nhiều cổ phiếu tiềm năng, nhưng chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua.
Từ phía nhà đầu tư nước ngoài, giám đốc một quỹ đầu tư đánh giá, việc cổ phần hóa gắn với quy định buộc doanh nghiệp đưa cổ phiếu vào giao dịch trên sàn UPCoM là quyết định mang tính đột phá của Chính phủ Việt Nam. Bước sang năm 2018, hàng loạt đợt IPO của các doanh nghiệp lớn sẽ diễn ra, sau IPO là diễn tiến lên sàn của các doanh nghiệp theo quy định pháp lý.
Ðiều nhà đầu tư cần không chỉ là doanh nghiệp phải công bố lộ trình bán vốn minh bạch mà sau đó là thực hiện cam kết đưa cổ phiếu lên sàn.
Theo vị giám đốc này, UPCoM là sàn có nhiều cơ hội tiềm năng chưa được khai phá hết và có thể dòng tiền mua trên UPCoM hiện nay là dòng tiền “đi trước một bước” trên con đường tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường.