Muốn hút vốn ngoại, doanh nghiệp phải chuẩn hóa báo cáo tài chính

(ĐTCK) Việc doanh nghiệp trong nước vẫn đang tuân thủ một hệ thống chuẩn mực kế toán lạc hậu, không cùng "ngôn ngữ" với nhiều nước trên thế giới đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại bỏ vốn vào. Áp dụng chuẩn mực quốc tế về lập báo cáo tài chính (IFRS) là đòi hỏi bức thiết đặt ra với các doanh nghiệp nếu muốn thu hút dòng vốn ngoại.   
Việc áp dụng IFRS có thể gây tốn kém trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn với chi phí rẻ Việc áp dụng IFRS có thể gây tốn kém trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn với chi phí rẻ

Số liệu tài chính doanh nghiệp đang bị bóp méo

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước hiện nay đang lập báo cáo tài chính dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chế độ kế toán doanh nghiệp (cụ thể hóa những chuẩn mực này). Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, bao gồm 26 chuẩn mực kế toán dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế tại thời điểm đó và có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù đã có những đóng góp to lớn cho việc quản lý, giám sát nền kinh tế trong giai đoạn trước đây, nhưng có thể nói đến nay, VAS đã trở nên lỗi thời so với mặt bằng chung thế giới. Kể từ thời điểm ban hành đến nay đã hơn 10 năm, VAS chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật, trong khi nền kinh tế vận động không ngừng, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, vì vậy đã bộc lộ một số tồn tại và hạn chế lớn.

Trước hết, Việt Nam mới chỉ ban hành 26 chuẩn mực kế toán, trong khi hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS và IFRS) có hơn 40 chuẩn mực. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều chuẩn mực kế toán mà Việt Nam chưa ban hành, dẫn đến VAS tất yếu không thể phản ánh được hết các giao dịch của nền kinh tế.

Là một đất nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nhưng Việt Nam lại chưa có chuẩn mực kế toán về nông nghiệp. Tương tự, Việt Nam có nhiều tài nguyên khoáng sản và khai khoáng là một ngành có vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, nhưng hiện cũng chưa có chuẩn mực kế toán riêng cho lĩnh vực thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản…

So với 10 năm trước, thời điểm hệ thống VAS được ban hành, nền kinh tế Việt Nam khác biệt lớn, ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế ngày càng giảm và sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng.

Mặt khác, sau khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới những năm đầu của thế kỷ 21, chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đã có sự thay đổi về bản chất, trong khi căn cứ để xây dựng VAS là hệ thống chuẩn mực cũ chưa được sửa đổi, thay thế của quốc tế.

Vì vậy, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa theo kịp với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các loại công cụ tài chính phức tạp.

Do VAS hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc, chứ không phải giá trị hợp lý (giá trị thị trường) nên báo cáo tài chính chưa phản ánh được đúng và đầy đủ tình hình tài chính của các doanh nghiệp tại thời điểm cuối kỳ vì giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường luôn biến động, trong khi những khoản tổn thất tài sản chưa được ghi nhận đầy đủ.

Nhiều thông tin mà VAS đưa ra không còn mang tính hữu ích, tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính bị suy giảm nên người sử dụng báo cáo tài chính không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp cũng như những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải.

Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng của một số chuẩn mực kế toán như hàng tồn kho, tài sản cố định không có sự loại trừ về phạm vi áp dụng nên một số tài sản sinh học của các hoạt động nông nghiệp và các loại nông sản tại thời điểm thu hoạch như cây trồng, vật nuôi và những sản phẩm chưa qua chế biến thu được từ tài sản sinh học (thịt, hoa màu, gỗ, mủ cao su…) có đặc thù riêng vẫn được hạch toán như hàng tồn kho và tài sản cố định thông thường. Điều đó dẫn đến việc  phản ánh không đúng bản chất, đặc điểm và giá trị các tài sản này.

Trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ những nhóm chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính chưa được ban hành, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất hoặc giá cả hàng hóa, nhưng chưa có hướng dẫn kế toán phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, việc chưa ban hành chuẩn mực tổn thất tài sản gây rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư và người sử dụng báo cáo tài chính vì chưa có căn cứ để ghi nhận sự tổn thất do suy giảm giá trị của các tài sản. Trong nhiều trường hợp, tài sản vẫn phản ánh theo giá gốc, vượt quá giá trị có thể thu hồi của tài sản và làm tình hình tài chính của doanh nghiệp bị bóp méo.

Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, nếu muốn hút vốn ngoại  

Báo cáo tài chính doanh nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư. Việc doanh nghiệp Việt Nam áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán không có chung ngôn ngữ kế toán với hệ thống chuẩn mực kế toán đang được áp dụng phổ biến trên toàn cầu đã trở thành rào cản với nhà đầu tư quốc tế khi tiếp cận với doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 27,8 tỷ USD. Con số này dù tăng xấp xỉ 36% so với cuối năm 2016, nhưng so với quy mô dòng vốn ngoại vào các thị trường trong khu vực vẫn còn rất nhỏ bé.

Gần đây, khi đề cập đến việc các nhà đầu tư Mỹ vẫn dè dặt không xuống tiền đầu tư vào các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn của Việt Nam, ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tiết lộ một nguyên nhân quan trọng. Đó là chế độ kế toán và kiểm toán của Việt Nam còn chưa theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nên nhà đầu tư Mỹ không tin cậy về những thông tin mà doanh nghiệp IPO đưa ra. Đó là chưa kể, có những thông tin mập mờ, nhưng không được giải trình kịp thời và rõ ràng.

Tại một hội thảo về áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam không nên bỏ qua câu chuyện trước khi Thái Lan, Hàn Quốc áp dụng rộng rãi IFRS, nhà đầu tư nước ngoài đặt mối nghi ngờ về việc một số công ty ở các quốc gia này “phù phép” sổ sách để làm đẹp số liệu, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, kể từ khi các nước này áp dụng IFRS thì không còn mối ngờ này…

Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế bao gồm 15 chuẩn mực IFRS và 27 chuẩn mực IAS do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành. IFRS là hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính mang tính mực thước của quốc tế, được nhiều quốc gia thừa nhận và áp dụng, bao quát được hầu hết các giao dịch của nền kinh tế, phù hợp với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có thị trường tài chính và thị trường vốn ở trình độ cao.

IFRS hướng đến việc trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường tại thời điểm báo cáo.

IFRS được chấp nhận như chuẩn mực lập báo cáo tài chính cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới. Khi áp dụng IFRS, chất lượng thông tin của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.

Việc áp dụng IFRS sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được các nguồn lực từ công chúng trong và ngoài nước, huy động vốn với chi phí thấp. Xét trên bình diện rộng hơn, việc áp dụng IFRS cũng là một yếu tố để quốc tế công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ các nhà đầu tư và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, từ đó khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp từ nước ngoài vào nước ta.

Đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải áp dụng các chuẩn mực IFRS càng bức thiết trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn và thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Trước yêu cầu mới của nền kinh tế, việc sửa đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế và công bố áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam là đòi hỏi tất yếu và bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần nhiều thời gian và công sức. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng đề án áp dụng IFRS và sửa đổi VAS, theo đó sẽ công bố lộ trình áp dụng, đối tượng áp dụng và cách thức áp dụng VAS cũng như IFRS.

Th.s Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán - Bộ Tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục