Thu hút vốn ngoại vào ngân hàng, cơ hội song hành thách thức

(ĐTCK) Việt Nam, với quy mô dân số 95 triệu người, có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Việc thu hút dòng vốn ngoại được xem là một trong những giải pháp nâng cao năng lực tài chính, quản trị của ngân hàng Việt, nhưng thực tế vẫn có nhiều thách thức.
 
Thu hút vốn ngoại vào ngân hàng, cơ hội song hành thách thức

Sức hút của thị trường ngân hàng Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, theo phân tích của chuyên gia công ty định mức tín nhiệm S&P, là cơ hội tiếp cận tới dân số hơn 90 triệu người.

Đặc biệt, phần lớn “miếng bánh” thị trường đến nay vẫn chưa được khai thác, khi chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng, một tỷ lệ tương đối thấp nếu so sánh với các nước láng giềng. Trong khi đó, tầng lớp có thu nhập trung bình và cao đang gia tăng.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, với xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, hoạt động mở này được hỗ trợ phần lớn bởi hệ thống ngân hàng.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, sức cầu với các loại hình sản phẩm ngân hàng theo đó cũng gia tăng. Nhìn chung, tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động tín dụng của ngân hàng Việt Nam chiếm khoảng 70 - 80% tổng thu nhập và các ngân hàng Việt Nam có mức lợi nhuận biên cao hơn các ngân hàng trong khu vực.

Trong năm 2017, theo dự báo của S&P, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng khu vực bán lẻ và lợi nhuận ổn định từ hoạt động cho vay.

Từ những năm 2006 - 2007, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu làn sóng mua cổ phẩn để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại các ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, giới hạn sở hữu cao nhất các tổ chức nước ngoài có thể nắm giữ tại một ngân hàng Việt là 30% và mức cổ phần cao nhất một ngân hàng nước ngoài có thể mua để trở thành một nhà đầu tư chiến lược là 20% chưa đủ để ngân hàng nước ngoài có thể chạm tay vào các quyết định điều hành của ngân hàng trong nước. Do vậy, nguồn vốn ngoại tiếp cận với các ngân hàng Việt cũng bị hạn chế.

Ngoài yếu tố giới hạn tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài thì ngành ngân hàng Việt Nam cũng có một số vấn đề. Đó là chất lượng tài sản chưa cao, theo đánh giá của Moody’s vào ngày 31/8/2016.

Ông Phạm Hồng Hải 

Cũng theo Moody, tín dụng tăng trưởng nóng đẩy nợ xấu tăng cao. Cuối năm 2016, nợ xấu toàn ngành là 2,8% và chúng ta đừng quên vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.

Nợ xấu khiến chi phí tín dụng của các ngân hàng gia tăng khi họ tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu trên bảng cân đối tài sản và các khoản nợ bán cho VAMC. Nợ xấu và sự minh bạch thông tin trong báo cáo ngân hàng vẫn là hai vấn đề cần phải giải quyết để ngân hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước đi để cải thiện hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tái cơ cấu ngành. Số lượng các ngân hàng trong nước đã giảm từ năm 2011, nhưng lộ trình cải cách cho thấy còn nhiều ngân hàng cần được tái cơ cấu.

Việc xây dựng một thị trường vốn vững mạnh để giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng cần xem là một ưu tiên, bên cạnh việc tăng cường năng lực vốn của VAMC và củng cố thị trường địa ốc khi phần lớn các khoản nợ xấu đều có tài sản thế chấp là nhà đất…

Trong bối cảnh hiện tại, tăng cường vốn cho các ngân hàng là yếu tố quan trọng. Một phần để giảm thiểu rủi ro và cải thiện hệ số CAR, các ngân hàng nên xem xét đánh giá lại danh mục khách hàng để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Việc tăng vốn cần phải đi đôi với việc sử dụng vốn một cách lành mạnh.

Các ngân hàng cũng phải tăng cường năng lực quản lý rủi ro và quản trị mức dự phòng nợ xấu để đảm bảo mức lợi nhuận cần thiết phục vụ mục đích tăng vốn. Việc quản trị rủi ro phải bao gồm cả rủi ro tín dụng, thị trường và hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của Basel II.

Tỷ lệ chỉ 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng là mảnh đất hấp dẫn các ngân hàng ngoại 

Việc để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia cải cách ngân hàng nên được xem xét ở diện rộng. Gần đây, tại Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã bày tỏ ý định để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng thông qua mua cổ phần tại các ngân hàng trong nước. Nhưng cổ phần này phải thật sự hấp dẫn và các nhà đầu tư cũng phải thấy được cam kết hỗ trợ của Chính phủ.

Việc nới room cho khối ngoại sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam, vì họ có thể tham gia vận hành, quản lý, thay đổi quản trị doanh nghiệp và định hướng hoạt động đối với những ngân hàng này.

Dòng vốn ngoại vào ngân hàng Việt sẽ kích thích xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ CAR và đẩy mạnh quá trình áp dụng Basel II. Việc củng cố hệ thống ngân hàng Việt cũng giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó, tăng sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực.

Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục