Vốn ngoại “chen chân” vào tài chính tiêu dùng Việt

(ĐTCK) Tuy hiện đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn triển vọng lớn chưa được khai thác hết. Vì thế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhắm đến “miếng bánh” hấp dẫn này. 
Giới trẻ ưa thích công nghệ tạo sức hấp dẫn cực lớn cho cả cung và cầu vay tiêu dùng. Giới trẻ ưa thích công nghệ tạo sức hấp dẫn cực lớn cho cả cung và cầu vay tiêu dùng.

Triển vọng lớn

Tính đến nay, trên toàn thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam có 18 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Dù vậy, đây mới chỉ là khởi đầu của một lĩnh vực tiềm năng. Quy mô thị trường ước đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD) và sẽ còn mở rộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều ngân hàng trong nước, các tập đoàn nước ngoài.

Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng nhanh chóng và lãi lớn như HD SAISON, FE CREDIT, Home Credit, SHBFC, VietCredit...

Tuy nhiên, theo như đánh giá của Fitch, lợi nhuận ngành tài chính tiêu dùng dù vẫn hấp dẫn, nhưng đang bị thu hẹp trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ những "người chơi" mới, bao gồm một số công ty con của ngân hàng và vốn mới đổ vào từ các tổ chức tài chính lớn trong khu vực.

Các công ty tài chính lớn của Hàn Quốc như Shinhan Card, Lotte Card, Hyundai Card và Ngân hàng Shinsei của Nhật Bản chính là những tổ chức đã mua hoặc đang trong quá trình mua cổ phần tại các công ty tài chính Việt Nam.

Năm 2019, tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam ước đạt 11,4%, đạt mức 1 triệu tỷ đồng.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, ước từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.

Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%, trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng cho vay tiêu dùng còn được thúc đẩy bởi cơ cấu dân số và sự tăng trưởng thu nhập bình quân trong những năm gần đây.

Theo số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” khi năm 2016 có gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động từ 20-59 tuổi, đến năm 2020 là gần 63 triệu người. Ðây là nhóm khách hàng chính mà các công ty tài chính tiêu dùng hướng tới.

Mới tham gia thị trường, nhưng năm 2019, Công ty Tài chính SHBFC đã chứng kiến tổng tài sản tăng 2,75 lần so với 2018, lên mức 3.300 tỷ đồng; dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần. Lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng. Số lượng khách hàng tiếp cận đạt trên 460.000 người.

Có thêm nguồn lực từ công ty tài chính, các ngân hàng cũng gia tăng thêm hiệu quả kinh doanh. Năm 2019, SHB đã đạt lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, mua lại nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước thời hạn.

Trước đó, thị trường cũng ghi nhận trường hợp FE CREDIT đóng góp tới hơn 40% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank với gần 4.500 tỷ đồng và quý đầu năm nay là gần 1.000 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng của Ngân hàng mẹ.

Năm 2018, HD SAISON đạt lợi nhuận trước thuế hơn 900 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2017. Năm 2019, mặc dù không công bố chính thức, song theo các phân tích đưa ra từ một số công ty chứng khoán, lợi nhuận HD SAISON đạt được là trên 1.000 tỷ đồng.

Chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tiềm năng thị trường này vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới và mới chỉ ở giai đoạn đầu tại Việt Nam.

Thống kê của NHNN cho thấy, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm.

Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Ðây là con số rất thấp ở một thị trường 100 triệu dân đang phát triển, cơ cấu trẻ và nhu cầu tiêu dùng cao như Việt Nam.

Hút vốn ngoại

Tài chính tiêu dùng Việt là vùng đất tiềm năng nên đang thu hút không ít nhà đầu tư nước ngoài nhiều tham vọng. Mới đây, SHBFC đã đề xuất Ngân hàng mẹ SHB thông qua Ðại hội đồng cổ đông về việc bán vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

Ðây là động thái gây chú ý, bởi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp SHBFC tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại và chuyên nghiệp... để hiện thực hóa tham vọng top đầu trên thị trường cho vay tiêu dùng.

Ðặc biệt, việc thoái vốn sẽ mang về cho SHB một khoản lãi lớn và giúp định chế này củng cố hệ sinh thái của mình.

Thực tế, một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề hợp tác để phát triển SHBFC - công ty đang có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn. Trước khi về với SHB, SHBFC đã là công ty tài chính có nền tảng khá vững sở hữu bởi Vinaconex - Viettel.

Sau đó, do yêu cầu tái cơ cấu hệ thống tài chính, công ty này đã lựa chọn SHB là đối tác chính trong việc sáp nhập.

Ngay từ đầu năm 2020, Hội đồng quản trị SHB đã làm việc với các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới để tái cấu trúc quản trị Ngân hàng cũng như định vị chiến lược ngân hàng khác biệt và bền vững trong trung và dài hạn, hướng tới ngân hàng số.

Không chỉ nhắm tới SHBFC, hàng loạt ông lớn nước ngoài đã tìm nhiều cách để tiếp cận thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam khi dư địa cấp phép đang hẹp dần.

Năm 2019, chỉ duy nhất một công ty tài chính được cấp phép mới, đó là Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (100% vốn nước ngoài) mua lại 100% Công ty Tài chính Prudential Việt Nam sau khi đã thâu tóm mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ Việt Nam.

Cũng trong năm 2019, Lotte Finance, một công ty con của Lotte Card, đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam sau 6 tháng triển khai hoạt động kinh doanh. Lotte Card vào Việt Nam và thâm nhập thị trường bằng thương vụ chi 1.700 tỷ đồng mua lại toàn bộ bộ phận tài chính tiêu dùng TechcomFinance của Techcombank trong năm 2017...

Hay mới đây, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) - vốn chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ - cũng không giấu giếm tham vọng nhảy vào thị trường tài chính Việt Nam.

Ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon cho biết, Aeon sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần nhà nước.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đã sẵn sàng “gửi chân” vào  thị trường tài chính Việt.

Gây bất ngờ là việc Tập đoàn Srisawad (Thái Lan) đã đề nghị mua lại Công ty Tài chính ALC I của Agribank đang làm ăn bết bát, thua lỗ lớn, thậm chí âm cả vốn chủ sở hữu. Srisawad không chỉ sẵn sàng hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank (200 tỷ đồng), mà còn trả hết cả phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank (323 tỷ đồng) để được sở hữu hoàn toàn công ty này.

Biên bản thỏa thuận giữa hai bên đã được ký kết, chỉ chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước là Srisawad có thể “tham chiến” trên thị trường tài chính Việt.

Qua đó có thể thấy được rằng, sự phát triển mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là một tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, nhất là tài chính vi mô, tài chính cá nhân.

Hoạt động cho vay tiêu dùng vừa qua tại Việt Nam giúp đáp ứng nhu cầu vốn nhỏ, giúp những người không đủ điều kiện có thể tiếp vốn chính thức, thay vì vay nặng lãi trên thị trường "tín dụng đen" như trong nhiều năm trước.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính và công ty tài chính thuộc ngân hàng giúp thị trường phát triển mạnh và giúp lãi suất cho vay được trở nên cạnh tranh hơn, có lợi hơn cho người vay.

Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng còn thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu không tiền mặt, đồng thời giúp xây dựng và dần minh bạch hóa thông tin tài chính cá nhân.

Một chuyên gia kinh tế cấp cao cho rằng, vay tiêu dùng đang là một hình thức phổ biến, phát triển tương đối rộng rãi và đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.

Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã chạm mốc 1 triệu tỷ đồng và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh. Tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất lớn là nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên.

Ðây vẫn được xem là lĩnh vực hấp dẫn hàng đầu và là “gà đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực tài chính nói chung.

Nguyễn Minh Châu
Đặc san Ngân hàng 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục