P2P vốn ngoại đang tàn phá thị trường

Hàng loạt ứng dụng (app) cho vay online trên thị trường trực thuộc các công ty P2P lending với lãi suất cắt cổ, hành vi đòi nợ khủng bố, xã hội đen đang khiến người tiêu dùng ngày càng ác cảm với mô hình cho vay này.
 
P2P vốn ngoại đang tàn phá thị trường

Dấu hiệu phân biệt công ty P2P có nguồn gốc ngoại

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị N.T cho hay, chị là một nạn nhân của app cho vay có tên là UCASH, dù không hề sử dụng dịch vụ của công ty này. Theo chị N.T, bạn chị đã đăng ký vay 4 triệu đồng của UCASH trong 7 ngày với lãi suất  0,02%/ngày. Thế nhưng, sau đó, tài khoản bạn chị nhận được có 2,5 triệu đồng, dù hợp đồng vẫn ghi là 4 triệu đồng, công ty giải thích khoản 1,5 triệu đồng là phí thẩm định và tiền lãi thu trước (tương đương lãi suất 5,5%/ngày, tức 165%/tháng).

Do không trả được nợ đúng hạn, lại bị đe dọa, bạn chị N.T phải vay app sau để trả nợ app trước, số tiền nợ lên tới cả trăm triệu đồng. “Không đòi được nợ, bên UCASH không chỉ đe dọa gia đình bạn, mà còn cho nhân viên lập hàng loạt nick facebook ảo khủng bố bạn bè của người vay, trong đó có tôi. Họ liên tục bôi nhọ, bêu riếu tôi trên mạng xã hội là người câu kết với bạn để lừa đảo chiếm đoạt tiền”, chị N.T cho biết.

Tương tự chị N.T, thời gian qua, hàng loạt người vay đã sập bẫy vay nặng lãi của các app cho vay online. Mới đây, Công an quận 2, TP.HCM đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do các đối tượng Trung Quốc cầm đầu. Thông qua người Việt đứng tên, thành lập công ty Kyushu và Star City, các đối tượng này đã cho vay với lãi suất cắt cổ 4%/ngày bằng các app như BDong, VDong, UDong… Đồng thời, họ gọi điện đe dọa hoặc đăng thông tin con nợ lên mạng xã hội bêu riếu, nếu con nợ trả chậm.

Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các công ty P2P, song theo các doanh nghiệp trong ngành này, số công ty P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc đang áp đảo số lượng công ty P2P Việt. Tuy nhiên, nhận diện các công ty này không dễ vì các ông chủ Trung Quốc thường thuê người Việt Nam đứng tên thành lập và chỉ đứng sau quản lý.

Cách đây một tháng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, có khoảng 60 - 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam sau khi khủng hoảng cho vay ngang hàng đổ vỡ tại Trung Quốc.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một công ty P2P lending Việt cho rằng, thị trường P2P trong nước đang có nguy cơ bị phá hỏng từ trứng nước, vì bị một số tội phạm cho vay nặng lãi từ nước ngoài mượn mác để hoạt động.

Nếu chỉ thông qua app hay vào trang web công ty, rất khó để phân biệt đâu là công ty ngoại, đâu là công ty có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một số dấu hiệu là, các công ty P2P Việt như Lendbiz, Tima, Vaymuon… thường có giới thiệu rõ ràng về bộ máy lãnh đạo, lịch sử thành lập, nguồn gốc hoạt động.

“Trong khi đó, các công ty có người nước ngoài đứng sau thường công bố thông tin rất mập mờ, chủ yếu mời gọi cho vay, mời gọi nhấn link để đăng ký vay. Các công ty này gắn mác P2P, nhưng hoạt động không khác gì tín dụng đen, cho vay với lãi suất lên tới 500-600%/năm, đòi nợ kiểu xã hội đen, gây ra ác cảm với người dùng và cơ quan quản lý với loại hình mới mẻ này, phá nát thị trường P2P Việt vốn đang non trẻ”, vị giám đốc này nói.

Chính sách càng chậm, cho vay nặng lãi càng lộng hành

Việc thiếu hành lang pháp lý về fintech đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều đối tượng lừa đảo nước ngoài, P2P lending cũng bị lợi dụng, biến tướng thành cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Mặc dù mô hình cho vay trực tuyến, cho vay P2P đã được cả Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) và NHNN nhiều lần cảnh báo, song việc cảnh báo này không có nhiều ý nghĩa.

Không chỉ người vay tiền cần cẩn thận với các nền tảng P2P đến từ Trung Quốc, mà người góp vốn càng phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ. Rất nhiều công ty P2P tại Trung Quốc sau khi huy động tiền của nhà đầu tư đã không cho vay, mà ôm tiền bỏ trốn.

- Ông Bradley LaLonde, đồng sáng lập, thành viên điều hành Vietnam Partners   

Lãi suất cho vay cao hơn cả tín dụng đen, song điều bất hợp lý là các công ty cho vay trên lại ngang nhiên giăng bẫy người tiêu dùng suốt thời gian dài mà không bị sờ gáy. Để lách quy định của NHNN, công ty P2P hoạt động dưới hình thức P2P  (nghĩa là chỉ nắm vai trò kết nối chứ không trực tiếp cho vay). Ngoài ra, để tránh quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự, lãi vay được các công ty đưa ra ở mức rất nhỏ, trong khi các loại phí khác lại cao ngất ngưởng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, với nhiều lợi ích mang lại cho cả người vay và người cho vay, P2P là tiến bộ công nghệ và là xu hướng không thể tránh. Không thể vì các rủi ro, biến tướng mà cấm loại hình này. Ngược lại, cần sớm có hành lang pháp lý để quản lý.

Thực tế, lỗ hổng pháp lý quá dài đã khiến thị trường P2P ở nước ta phát triển bùng nổ với nhiều mặt trái. Do đó, cần sớm đưa mô hình P2P vào hoạt động kinh doanh có điều kiện (có vốn tối thiểu, hạn mức cho vay, ký quỹ, trần lãi suất, giới hạn vốn đầu tư của cá nhân, công bố thông tin minh bạch…).

Hiện NHNN đang xây dựng khung pháp lý thử nghiệm với mô hình P2P lending để trình Chính phủ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz cho biết: “Theo tôi được biết, những điều kiện mà NHNN đưa ra là khá khắt khe và không phải công ty nào cũng có thể đáp ứng”.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục