Nền tảng vĩ mô ổn định, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, năm 2017 đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của Việt Nam từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007 - 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam, khác với giai đoạn “bong bóng” trước đây, không song hành với lạm phát cao và VND liên tục mất giá. Điều này được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
Ông Ian Gisbourne, Giám đốc Nghiên cứu khu vực ASEAN của Ngân hàng UBS nhận định, Việt Nam là quốc gia ASEAN có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2017, dòng vốn FDI của Việt Nam đạt con số kỷ lục, gần 36 tỷ USD, trái ngược với mức tăng trưởng âm của FDI vào Thái Lan. Nguyên nhân là các nhà đầu tư Nhật Bản đã dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam sau vài thập niên đầu tư vào Thái Lan.
Đồng thời, các tập đoàn lớn của Thái Lan cũng đang mạnh tay đầu tư vào các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm, đồ uống đầu ngành của Việt Nam như Big C, Sabeco, Nhựa Bình Minh… Thậm chí, Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cũng đã bắt đầu có bộ chỉ số các cổ phiếu của tập đoàn Thái Lan đầu tư ra nước ngoài, trong đó chú trọng khu vực Lào, Việt Nam, Campuchia.
So sánh với các quốc gia trong khu vực, ông Ian Gisbourne cho rằng, Việt Nam có những lợi thế về dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ, đặc biệt là tỷ giá ổn định, lạm phát kiểm soát tốt, cán cân thương mại tốt và nền kinh tế Việt Nam không tăng trưởng quá nóng. Dù mức nợ trong doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân khá cao, nhưng cũng không phải là vấn đề lớn hiện nay.
Các yếu tố vĩ mô đó, cộng thêm sự đa dạng về hàng hóa khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đang ráo riết chào bán cổ phần và lên niêm yết đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Tính riêng trong năm 2017, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ lớn, đặc biệt có những giao dịch lên đến trên 1 tỷ USD nhờ có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Ngô Vinh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng, năm 2018, các doanh nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam sẽ tiến hành niêm yết các công ty con sau thời gian “nuôi lớn”, qua đó sẽ hấp dẫn thêm dòng vốn ngoại.
M&A trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục sôi động
Ông Fabrice Carrasco, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel nhận định, dân số Việt Nam, với cơ cấu 36% dân số trẻ có bằng đại học, thành thạo công nghệ, không thích lập gia đình sớm, có nhiều nhu cầu tiêu dùng và thích sự tiện lợi, không trung thành với nhãn hàng nào sẽ làm thay đổi mô hình bán lẻ Việt Nam.
Theo đó, hiện kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 82% thị phần trong đó cửa hàng tạp hóa đóng góp 52% thị phần bán lẻ, nhưng trong tương lai mô hình này sẽ biến mất.
Kênh bán hàng hiện đại mới chiếm 8% và xu hướng trên toàn cầu là hình thức đại siêu thị không còn được ưu ái như 10 năm trước. Trong khi đó, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi, minimart được dự báo sẽ tăng thị phần từ 3,5% lên 8% đến năm 2025. Tương lai của ngành bán lẻ sẽ không dựa vào kênh chủ đạo nào, mà là sự kết hợp của nhiều kênh bán lẻ (omni-channels).
Ông Fabrice Carrasco dự báo, trong thời gian tới, sẽ có nhiều thương vụ hợp tác chiến lược để thiết lập mô hình omni-channels. Trên thế giới, đã có nhiều sự hợp tác hoặc M&A giữa các doanh nghiệp trong ngành, chẳng hạn Amazon mua Wholefoods, JD.com kết hợp với Walmart. Còn ở Việt Nam, hiện đã có cái bắt tay hợp tác giữa Phú Thái với TCL Group, Alibaba với Lazada, JD, Tencent với Tiki, Tencent với Shopee, Central với Nguyễn Kim và Zalora...
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng, khi mà có tới 60% dân số Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn, 30% trong số họ thường xuyên ra các thị trấn, thành phố để tới các siêu thị, trung tâm mua sắm. Vì vậy, theo dự báo của vị chuyên gia này, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến thêm những thương vụ M&A đình đám của nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực bán lẻ.