Không lo ngại dòng vốn ngoại rút lui

(ĐTCK) Triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực, Chính phủ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước; ngành ngân hàng hồi phục… và câu chuyện nâng hạng thị trường là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm 2018, qua đó thu hút hơn nữa dòng vốn ngoại.
Không lo ngại dòng vốn ngoại rút lui

Tuy nhiên, diễn biến thị trường trồi sụt cùng động thái bán ròng nhiều phiên của khối ngoại từ đầu năm tới nay đang khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Nhiều lực hấp dẫn mạnh

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường chứng khoán đã có những cải thiện cơ bản về chính sách, tạo cơ hội đầu tư thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các thương vụ IPO doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng hấp dẫn dòng tiền quốc tế. Theo đánh giá của MBS, nhờ dòng chảy tích cực từ nguồn tiền nước ngoài, vốn hóa thị trường Việt Nam có khả năng sẽ đạt 200 tỷ USD trong năm 2018.

Phân tích kỹ hơn các điểm thu hút của thị trường, ông Tuấn cho biết, việc Việt Nam đang trong lộ trình để bước lên thị trường mới nổi đã tạo lực hút với nhà đầu tư quốc tế. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đã thỏa mãn các tiêu chí định lượng theo yêu cầu của MSCI về vốn hóa, tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành và thanh khoản, nhưng chưa đáp ứng được một số chỉ tiêu định tính.

Chẳng hạn, cần hoàn thiện những vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối… MBS cho rằng, nhiều khả năng trong năm 2019, Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI.

Điểm nhấn tiếp theo trong năm nay là tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, trong đó, tích cực hơn cả vẫn là có nhiều cuộc IPO, thoái vốn có tỷ lệ bán ra đủ lớn, tạo quy mô giao dịch lớn và các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu.

Cộng thêm yếu tố quan trọng nhất chính là sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia và nhập cuộc sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, không chỉ trong năm 2018 mà còn những năm tiếp theo.

Minh chứng cho quan điểm này, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn nước ngoài gián tiếp gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam khá mạnh mẽ thông qua các quỹ đầu tư ETF và quỹ mở.

Chính vì vậy, mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng từ mức 10 - 11% trong các năm trước lên khoảng 15% vào nửa cuối năm 2017. Chỉ riêng tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 8.000 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị mua ròng cả năm 2017 (không tính giá trị thoái vốn Nhà nước tại SAB).

Không lo ngại dòng tiền rút lui

Dù mức độ giao dịch của khối ngoại không lớn nhưng luôn có tính định hướng, dẫn dắt. Do đó, diễn biến khối ngoại mua ròng mạnh từ cuối năm 2017 đến khoảng đầu năm 2018 đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên thăng hoa và ngược lại, trong khoảng cuối tháng 2, với mức độ bán ròng mạnh liên tiếp nhiều phiên, không ít nhà đầu tư bắt đầu bị tác động tâm lý.

Tuy nhiên, thực tế, phản ứng tiêu cực này diễn ra ở hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới, nguyên nhân chính là bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa tín hiệu về việc nâng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, dù thị trường chứng khoán đã có những biến động mạnh thời gian vừa qua, nhưng xu hướng dòng vốn cho thấy chưa có sự thay đổi lớn trong chiến lược phân bổ tài sản trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo khảo sát trong tháng 2/2018 của Bank of America Merrill Lynch, tỷ trọng phân bổ tài sản là cổ phiếu của giới đầu tư dành cho các thị trường mới nổi vẫn ở mức 41%, thể hiện dòng vốn vẫn đang tiếp tục rót vào các thị trường mới nổi.

Do đó, ông Linh nhận định, với diễn biến này, hiện tại chưa quá lo ngại về việc dòng vốn nước ngoài rút khỏi Việt nam. Tuy vậy, có 2 sự kiện quốc tế cần phải tiếp tục theo dõi để có thể dự báo được xu hướng dòng vốn trong tương lai.

Thứ nhất, nguy cơ chiến tranh thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Cuộc chiến này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu lớn vào Mỹ, trong đó có Việt nam, tạo ra tác động tới cán cân thương mại, tỷ giá, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng và tâm lý đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là khả năng Fed nâng lãi suất nhanh và mạnh hơn do lạm phát đang tiến gần tới mức mục tiêu. Nếu khả năng Fed nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 tăng, chiến lược phân bổ tài sản và xu hướng dòng vốn trên toàn cầu rất có thể sẽ thay đổi.

“Mặc dù chưa phải quá lo lắng về xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng những diễn biến mới tại Mỹ đang tạo ra nhiều ẩn số cho xu hướng dòng vốn toàn cầu, cũng như tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Linh nói.

Củng cố lực hấp dẫn

Chuyên gia chứng khoán Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, có nhiều yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư tổ chức quyết định phân bổ tài sản vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm yếu cần được cải thiện để củng cố và giữ vững lực hấp dẫn của thị trường.

Theo đó, tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp đạt được đủ các tiêu chí tài chính, ngành nghề tiềm năng và vị thế doanh nghiệp nhưng quy mô vốn hóa lại quá nhỏ, chưa kể đến nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước vẫn lớn. Chính điều này ảnh hưởng tới quyết định rót vốn của các quỹ đầu tưu.

Bên cạnh đó, dù quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua nhưng mức độ đóng góp vốn hóa thị trường lại chỉ tập trung ở vài chục cổ phiếu vốn hóa lớn nhất.

Chưa kể, “chất lượng” của hàng hóa trên thị trường có khoảng cách không nhỏ, thậm chí ở cùng nhóm vốn hóa lớn vẫn là nút thắt cần được tháo gỡ. Điều này có nghĩa rằng, mặt bằng chất lượng chung vẫn chưa được thay đổi đáng kể.

Chính vì vậy, giải pháp “sáng” nhất là gia tăng lượng hàng hóa thông qua cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa. Theo đó, giới đầu tư cũng mong đợi thị trường Việt Nam trong tương lai không xa sẽ có sự thay đổi tích cực về chất, sau khi đã có được những thay đổi về lượng.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục