Làm thoáng cơ chế để hút vốn ngoại

(ĐTCK) Không chỉ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đang tồn tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường đầu tư nói chung, làm mới Luật Đầu tư nói riêng để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại.
Việc thành công trong tạo cơ chế thu hút hiệu quả dòng vốn FDI sẽ tác động tích cực tới cả vốn FII Việc thành công trong tạo cơ chế thu hút hiệu quả dòng vốn FDI sẽ tác động tích cực tới cả vốn FII

Thuận lợi hơn cho nhà đầu tư

Theo thực tiễn áp dụng quy định của Luật Đầu tư, hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư còn một số cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, liên quan đến nội dung thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Điều 23 Luật Đầu tư hiện hành quy định: tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế… thuộc một trong các trường hợp sau: có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh…

Thực tế áp dụng quy định này cho thấy, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài khá rộng. Để tạo sự thuận lợi hơn, cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu thu hẹp đối tượng các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc diện áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài.

Một vướng mắc khác đang bộc lộ là Điều 13 Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai yêu cầu: Dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao…, trong khi thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp quy định tại Luật Đầu tư không có quy định này.

Mặt khác, thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp quá rộng, bao gồm cả góp vốn để tăng vốn điều lệ của cổ đông, thành viên hiện hữu và không thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; không tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài…

Bởi vậy, cùng với đề xuất bổ sung doanh nghiệp sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới vào đối tượng đăng ký góp vốn, mua cổ phần, cơ quan soạn thảo kiến nghị sửa đổi theo hướng không đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các trường hợp: Tăng vốn điều lệ của các thành viên, cổ đông hiện hữu và không tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp; không tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài.

Cải thiện khả năng thu hút dòng vốn

Với việc có nhiều ý kiến trông đợi các quy định của Luật Đầu tư tạo điều kiện để cải thiện khả năng thu hút dòng vốn gián tiếp lẫn trực tiếp nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thu thập ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn, dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) theo quy trình một kỳ họp. Qua đó sớm tháo gỡ các vướng mắc hiện hành, vừa tiếp tục tạo ra những bước tiến về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời mở ra triển vọng mới trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam.

Theo lãnh đạo một công ty tư vấn đầu tư chứng khoán của Nhật Bản tại Việt Nam, việc thành công trong tạo cơ chế hiệu quả thu hút vốn FDI không chỉ có tác động tích cực đến dòng vốn FDI mà cả dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).

Thực tế cho thấy đang có mối liên quan giữa dòng vốn FDI và FII vào Việt Nam. Thông qua hoạt động rót vốn FII vào các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hoặc nắm bắt thông tin nhờ các doanh nghiệp trên sàn thường xuyên công khai thông tin, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận các doanh nghiệp, nhất là các công ty đầu ngành, cũng như rộng hơn là toàn ngành mà những doanh nghiệp này hoạt động. Trên cơ sở đó họ có những đánh giá về cơ hội đầu tư, cũng như tiềm năng phát triển của các ngành, từ đó tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp thuộc ngành này, nhưng chưa lên sàn chứng khoán để đầu tư dưới hình thức rót vốn FDI.

Bởi vậy, vị chuyên gia trên đề nghị, để thu hút dòng vốn FDI và FII hiệu quả hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần hoạch định chiến lược mới, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý hơn nữa giữa hệ thống chính sách thu hút dòng vốn FII và FDI.        

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục