Theo ông, vì sao các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm và gia tăng đầu tư vào Việt Nam?
Ông Kim Tae Hee. |
Nguồn vốn từ Hàn Quốc đổ vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục tăng sau đại dịch Covid-19 bởi nhiều lý do. Đầu tiên, Việt Nam là quốc gia phòng chống đại dịch Covid-19 thành công và điều này đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn so với các đất nước khác.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Thứ ba, Việt Nam sở hữu môi trường đầu tư tốt với nguồn nhân lực dồi dào, nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh mẽ.
Thứ tư, sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay chính là nhờ những chính sách mở cửa tích cực của Nhà nước Việt Nam với nhiều cải cách về thủ tục hành chính và ưu đãi thuế.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận các thị trường xung quanh dễ dàng hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK mới đây cho biết, nền kinh tế Hàn năm nay có thể sẽ giảm mạnh hơn dự kiến trước đó... có là nguyên nhân dòng vốn Hàn tìm thị trường mới có tiềm năng tăng trưởng?
Do tác động của một số yếu tố nội địa, nhiều công ty Hàn Quốc đang tìm kiếm thị trường mới với tiềm năng tăng trưởng cao, đặc biệt là những công ty Hàn Quốc trước đây đã chuyển đến Trung Quốc để tìm kiếm một thị trường nhu cầu lớn với nguồn nhân lực tốt.
Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi tin rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ thấy được những chuyển biến tích cực về nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo ông, dòng vốn Hàn Quốc có tiếp tục chảy vào đây sau đại dịch Covid-19?
Toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và dĩ nhiên, kinh tế Hàn Quốc không nằm ngoài cuộc khủng hoảng này. Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc tại Việt Nam đã giảm 47% trong nửa đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tập trung lĩnh vực dệt may, bán lẻ, điện tử hay dòng vốn vào lĩnh vực tài chính vẫn tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.
Thực tế tại Hàn Quốc, ngành ngân hàng Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như dân số già, lãi suất thấp và đặc biệt là chuyện nhiều tập đoàn của Hàn Quốc có xu hướng di dời ra nước ngoài…
Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp cùng với thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết, các dòng đầu tư của Hàn Quốc sẽ còn phải tìm cách chuyển hướng đến các thị trường mới. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cùng với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Myanmar và Campuchia.
Ông có thể chia sẻ một số trở ngại mà các doanh nghiệp Hàn Quốc thường gặp khi xem xét đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam?
Thực tế, mỗi doanh nghiệp có một cách nhìn cơ hội khác nhau và đặt ra những điều kiện đầu tư khác nhau.
Tuy nhiên, điểm vướng chung trong việc rót vốn vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam là thị trường Việt Nam đang có nhiều tập đoàn tài chính so với quy mô thực của nền kinh tế.
Cùng với đó, quy tắc hạch toán kế toán tại Việt Nam hiện nay có sự khác biệt với thị trường toàn cầu và đây là một trong những trở ngại cho hoạt động thẩm định, đánh giá để đi đến quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Phải chăng, room ngoại, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, là trở ngại đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn vào lĩnh vực này?
Trên thực tế, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam (theo quy định hiện nay, room dành cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30%) luôn luôn là đề tài gây sức hút và tranh cãi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tỷ lệ này cũng không là rào cản vì những nhà tổ chức tài chính Hàn Quốc sẽ phải thay đổi phương thức đầu tư cho phù hợp với quy định của Việt Nam.