Để lấy được lòng tin của các quỹ ngoại, cần nhiều yếu tố
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital. |
Tôi đã từng thuyết phục một quỹ đầu tư Trung Đông rót vốn vào hạ tầng cơ sở Việt Nam. Họ so sánh giữa đầu tư cơ sở hạ tầng vào Việt Nam tỷ lệ ROE cao hơn tỷ lệ ROE khi đầu tư tại Úc, nhưng vẫn quyết định đầu tư vào Úc vì họ đánh giá môi trường an toàn hơn, rủi ro thấp hơn.
Điều này chứng tỏ rằng, để lấy được lòng tin của các quỹ ngoại, cần nhiều yếu tố, mà tiên quyết là kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, nhất quán về mặt pháp luật, cùng với bộ máy nhà nước cởi mở, làm việc hiệu quả.
Nhiều ý kiến thảo luận về việc Việt Nam cần thay đổi những gì để được thành công nâng hạng, nhưng theo tôi, điểm tắc nghẽn lớn nhất nằm ở việc chúng ta phải triển khai được mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.
Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư phải có đủ chứng khoán trên tài khoản giao dịch trước khi bán và phải có đủ số tiền trước khi đặt lệnh mua. Điều này làm giảm sức mua của nhà đầu tư. Theo đó, nếu chúng ta triển khai thành công mô hình CCP, thanh khoản của thị trường sẽ tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, một số rào cản còn hiện hữu, như việc các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam chưa phát hành báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, hay việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, chưa thấy có những động thái rõ ràng trong việc triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depositary Receipts - NVDRs) so với một số thị trường khác như Thái Lan.
Hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc KRX được mong đợi từ lâu nhưng đến nay chưa đưa vào vận hành, trong khi điều này sẽ tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng “cô lập thương mại"
Ông Christian Kamm, Chủ tịch Quỹ đầu tư Kamm Investment Inc (Mỹ). |
Trong 2 thập kỷ qua, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ các chính sách “mở rộng thương mại”. Nhiều người tin rằng, cần có triết lý “mở rộng thương mại”, bởi nó mang lại lợi ích trong việc tránh xung đột giữa các quốc gia, có thể sử dụng giải pháp hòa bình, thiện chí để giải quyết các vướng mắc tài chính.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, bối cảnh toàn cầu đã có những thay đổi đáng kể. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc các quốc gia trên thế giới thực hiện các chính sách “cô lập thương mại”.
Xu hướng “cô lập thương mại” thể hiện rõ ràng qua các chính sách hiện tại của Đức, Pháp và Ý với động thái hạn chế đầu tư nước ngoài; Nhật Bản và Hàn Quốc khuyến khích đầu tư trong nước; Mỹ tăng thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa. Rõ ràng, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng này.
Theo quan sát của tôi, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt, cởi mở nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Các khung khổ quản lý và quy định hiện hành được rà soát và đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có những động thái phù hợp để bảo toàn lợi ích đầu tư nước ngoài, vì Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của dòng vốn FDI và FII trong 35 năm qua.
Vấn đề cơ bản và lớn nhất đối với Việt Nam là tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài
Ông Kojima Kazunobu, Chuyên gia tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa. |
Theo tôi, xếp hạng thị trường của MSCI chủ yếu tập trung đánh giá khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, vấn đề cơ bản và lớn nhất đối với Việt Nam là tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) tại thị trường chứng khoán và quy định riêng tại mỗi doanh nghiệp. Việc công bố báo cáo bằng tiếng Anh hay tiêu chuẩn kế toán mà mọi người thường đề cập chỉ là vấn đề nhỏ so với FOL.
Yếu tố cần thiết để phát triển hiệu quả thị trường chứng khoán là việc đảm bảo tính “công bằng”, “hiệu quả” và “minh bạch”. Nhìn từ góc độ này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải “cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết”, “nâng cao nhận thức và năng lực tuân thủ của các công ty chứng khoán” và “củng cố chức năng thị trường sơ cấp (niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng)”.
Một số thông lệ của Nhật Bản và các thị trường tiên tiến khác Việt Nam nên cân nhắc áp dụng bao gồm: phát huy vai trò của các tổ chức tự quản (SRO) để nâng cấp các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán; củng cố việc thẩm định công ty niêm yết, trong đó tích hợp cả thẩm định định tính để nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về dựng sổ và bảo lãnh phát hành đối với chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động gây quỹ, cũng như tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhiều các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.