Ông vừa trở về Việt Nam sau các chuyến đi gặp gỡ nhà đầu tư tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Vậy các ông hướng đến đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào?
A+ là quỹ đầu tư trực tiếp. Mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng, quy mô vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng trở lên, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng và có lợi nhuận. Quỹ không tham gia đầu tư và kiếm lợi nhuận nhanh, mà đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong 5 - 7 năm hoặc hơn, một giai đoạn đủ dài để phát triển doanh nghiệp và được niêm yết.
Qua làm việc, chúng tôi nhận thấy vấn đề khó nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là vốn chủ. Vì vậy, chúng tôi chuyển về doanh nghiệp nguồn vốn này. Khi có vốn chủ rồi, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn khác dễ hơn nhiều.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+. |
Về lĩnh vực, chúng tôi lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp đang chuyển đổi theo những xu hướng mới của thế giới như ESG, hạn chế phát thải… Chúng tôi cũng quan tâm đến những doanh nghiệp nông nghiệp có kế hoạch xuất khẩu nông sản sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp trong các ngành nghề có sự cạnh tranh, khác biệt.
Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với một số doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Quan điểm của chúng tôi là không đầu tư dàn trải, mà tập trung đầu tư cho 10 - 12 doanh nghiệp với mức độ, quy mô vốn tăng dần qua các năm, để tạo sự lớn mạnh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Song hành với các hoạt động đầu tư trực tiếp, chúng tôi sắp xếp cơ cấu vốn và nợ cho doanh nghiệp cùng với các đối tác ở nước ngoài, chủ yếu ở thị trường Mỹ và châu Âu.
Ông đánh giá thế nào về năng lực và khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế của doanh nghiệp Việt?
Thị trường vốn quốc tế rất đa dạng, với nhiều loại quỹ đầu tư khác nhau có thể đáp ứng nhu cầu vốn phù hợp với quy mô, ngành nghề hoạt động… của từng doanh nghiệp. Thời điểm này, những doanh nghiệp quy mô vừa ở Việt Nam sẽ đủ tiềm năng, khả năng quản trị, về quản lý rủi ro, hiểu biết thị trường để tiếp cận vốn từ các quỹ.
Với nguồn vốn quốc tế, có thể doanh nghiệp chưa làm quen nên còn có tâm lý e ngại.
Chỉ có điều, trong quá trình tiếp cận vốn, doanh nghiệp đã theo lối đi quen thuộc và dễ dàng như vốn ngân hàng. Với nguồn vốn quốc tế, có thể doanh nghiệp chưa làm quen nên còn có tâm lý e ngại. Vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ và kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tôi nghĩ là khi doanh nghiệp đã đạt mức chuẩn hóa được quy trình làm việc nội bộ, nhất là báo cáo, quản trị, quản lý rủi ro, doanh nghiệp có thể lựa chọn quỹ và tiếp cận vốn dễ hơn rất nhiều.
Bước đầu, doanh nghiệp sẽ cảm nhận được khó khăn vì thủ tục hay bước triển khai để tiếp cận có thể nhiều, nhưng trong lộ trình, nhân sự nội bộ của doanh nghiệp cũng được học hỏi, nâng cao khả năng và càng ngày càng dễ. Quan trọng hơn thực hành cho doanh nghiệp sự công khai và minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp dù khó khăn đang nỗ lực tìm cách làm mới, con đường mới. Với vai trò là nhà đầu tư, các ông nghĩ sao về thực tế này?
Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, có giai đoạn khó khăn và đầy thử thách, cái chính là phải xác định cái mình đang có và mình đủ sức làm gì. Tôi rất tâm đắc với triết lý: “Quý nhân lớn nhất đời mình là chính mình”. Đa phần mọi người quan niệm rằng, mỗi người đều có một quý nhân hỗ trợ trong khó khăn, từ đó có tâm lý mong chờ sự giúp đỡ để vượt qua thử thách. Nhưng tôi lại nghĩ khác, quý nhân của mình là bản thân, là động lực và nỗ lực làm việc.
Khi khó khăn, thay vì than vãn, kêu ca hoặc chờ đợi sự giúp đỡ, hãy chậm lại một chút, thay đổi cách suy nghĩ, tìm cách giải quyết, gỡ khó từng vấn đề của mình.
Người Việt có câu “Cái khó ló cái khôn”, trong đầu tư, khó khăn mới tạo nên anh hùng. Nhìn lại lịch sử thì những người giàu lên từ chứng khoán đa phần trong hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, nguyên tắc số 1 của đầu tư là phải tìm ra lối đi riêng, cùng xu hướng sẽ khó thành công. Hãy nhớ, những nhà đầu tư thành công và giàu có hơn đến từ thời điểm xảy ra khủng hoảng.